Nên làm gì khi bị các nhà tuyển dụng từ chối liên tục?
Một ngày đẹp trời, bạn tìm thấy một số công việc mà bạn cho là phù hợp với mình và gửi email ứng tuyển cho nhà tuyển dụng với hy vọng mình sẽ được hồi âm và mời đi phỏng vấn. Tuy nhiên, nếu điều tốt đẹp ấy không xảy đến mà thay vào đó là một list các mail từ chối thì bạn chắc chắn bạn sẽ thất vọng tràn trề và mất niềm tin. Đừng như vậy, hãy làm ngay các việc sau

Nên làm gì khi nhận email từ chối của nhà tuyển dụng

1. Xem lại hồ sơ xin việc

Nếu ứng tuyển và bị từ chối thì điều đầu tiên mà bạn cần làm chính là soi lại CV hoặc hồ sơ xin việc của mình. Hãy tự hỏi chính mình câu hỏi: “bạn đã điều chỉnh CV xin việc theo mô tả công việc mà mình ứng tuyển chưa?”. Nếu câu trả lời là “chưa” thì đó sẽ là một vấn đề lớn mà bạn cần phải giải quyết trong quá trình tìm việc của mình. Một CV có thể khiến nhà tuyển dụng ngay lập tức gọi bạn đi phỏng vấn nhất định phải hấp dẫn và đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng mà họ đưa ra. Ngoài ra, hãy chú ý check lại xem CV của mình có mắc các lỗi về chính tả, câu cú, ngữ pháp,...gì không.

Đối với các vị trí tiếp theo bạn ứng tuyển, hãy xem qua mô tả công việc từ nhà tuyển dụng để rút ra các từ khóa, trách nhiệm cốt lõi và các yếu tố của văn hóa của công ty đó. Bằng cách đó, bạn có thể lồng ghép những thứ đó vào sơ yếu lý lịch của mình và thư xin việc để tạo ấn tượng tốt hơn đối với người tuyển dụng. Ngoài ra, bạn cần nghiên cứu thêm xem làm thế nào để CV của bạn nổi bật hơn các ứng viên khác trước khi ứng tuyển.

2. Đánh giá trình độ của bạn

Hãy thành thật với chính bản thân mình trong cv xin việc và nếu có thể, bạn hãy hồi tưởng lại các công việc mà mình đã làm trước kia. Bạn có thể tự đặt ra cho mình các câu hỏi: “trình độ của bạn có tốt không?”, “bạn có tất cả những gì nhà tuyển dụng đang tìm kiếm không?” hay “kỹ năng và kinh nghiệm của bạn có thực sự phù hợp với công việc mà bạn ứng tuyển?”.

 

Bằng cách trả lời các câu hỏi này, bạn sẽ thử thách được bản thân và đặt ra các mục tiêu mới cho mình. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn liên tục bị nhà tuyển dụng từ chối sau khi ứng tuyển thì tốt nhất bạn nên hy vọng vào một điều gì mới mẻ hơn. Ví dụ như phần lớn các công việc bạn ứng tuyển yêu cầu ít nhất 10 năm kinh nghiệm và bạn chỉ có 3-4 năm kinh nghiệm thì đương nhiên rất khó để bạn trúng tuyển. Theo đó, bạn sẽ cần phải tìm các công việc khác với mức kinh nghiệm phù hợp với những gì bạn có.

3. Yêu cầu nhà tuyển dụng phản hồi

Nhiều người khi nhận được thư từ chối sau khi ứng tuyển chọn cách xoá ngay email đi và vờ như chưa có chuyện gì xảy ra rồi sau đó tự gặm nhấm nỗi buồn hoặc làm một điều gì khác để “giải sầu” như đi uống rượu, vui chơi với bạn bè,...  Dẫu biết là bị người khác từ chối thì sẽ rất buồn và tổn thương nhưng ngay cả khi bạn bị như vậy thì bạn cũng không nên mất niềm tin mà hãy đề ra cho mình một chiến lược thông minh, biết đâu nó sẽ giúp bạn trong công cuộc tìm kiếm các công việc sau đó.

Theo đó, thay vì xoá email, hãy gửi một email cảm ơn nhà tuyển dụng và yêu cầu họ cho bạn feedback để bạn có thể cải thiện bản thân hơn. Nhiều người sẽ nghĩ việc này hơi “mất mặt” nhưng nó lại rất hữu ích vì bạn sẽ biết được mình đang bị yếu ở đâu để rút kinh nghiệm cho lần ứng tuyển công việc khác sau đó.

Không ai thích bị từ chối sau khi ứng tuyển công việc cả nhưng trong quá trình tìm việc, chắc chắn bạn sẽ gặp phải vấn đề này. Thay vì “trù ẻo” các nhà tuyển dụng từ chối bạn, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ xem làm thế nào để cải thiện tình huống này vì nó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Bạn sẽ biết mình cần khắc phục những gì và cuối cùng bạn sẽ sớm tìm được một công việc mới thôi.

 

Ngoài ra tham khảo thêm những mẹo tìm việc cũng là một thủ thuật giúp đỡ bạn trong quá trình đi xin việc, tránh được những sai lầm không đáng có từ những người đi trước đúc kết lại. Chúc bạn thành công trong quá trình đi tìm việc làm của mình.