Kết quả kinh doanh quý III chưa thể lạc quan
Nhiều chuyên gia cho rằng, các ngành chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và xây dựng khó đạt kết quả như kỳ vọng trong quý III. Chỉ những lĩnh vực độc quyền như hàng hóa tiêu dùng, sản xuất... mới báo lãi đều đặn.
Giữa tháng 10, thị trường chứng khoán đã có trên 20 doanh nghiệp thuộc một số ngành như chứng khoán, sản xuất khai thác, xây dựng… công bố thông tin hoạt động kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm. Trong đó, hầu hết công ty đều thu lãi nhưng lợi nhuận ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước hoặc kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết sẽ không có kết quả kinh doanh tốt trong quý III, vì đây là thời điểm chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ các vấn đề vĩ mô.
Hơn nữa, nền kinh tế đang đi vào giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp sản xuất bị tồn kho nhiều, đầu ra không bán được, tổng cầu cũng xuống thấp, những yếu tố này dẫn đến tình hình không khả quan trong quý III, ông Giang nhận xét.
Ngành sản xuất, khai thác bao gồm các công ty thuộc lĩnh vực như cao su, mía đường, phân bón, luyện kim, khoáng sản.. chiếm ưu thế về lợi nhuận trong khi các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng hầu như không hoàn thành kế hoạch đề ra hoặc lãi giảm so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần Mía đường nhiệt điện Gia Lai (SEC) cho biết, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp quý III/2012 đạt 11,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngành thuộc lĩnh vực độc quyền như phân bón, cao su.. vẫn được các chuyên gia đánh giá cao. |
Ngành xây dựng cũng có 3 đơn vị công bố kết quả lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm 2012, bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC), Cổ phần Savico (SVC) và Cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (NVN). Tuy nhiên, ngoài FLC lãi trên 1.000 tỷ đồng qua 9 tháng, hoàn thành 70% kế hoạch năm, 2 đơn vị còn lại đều giảm lãi và doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Savico đạt doanh thu 9 tháng đầu năm là 32,3 tỷ đồng và chỉ hoàn thành gần 72% kế hoạch. Trong khi đó, doanh thu của Nhà Đà Nẵng cũng chỉ đạt khoảng 95 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí liên quan, lợi nhuận ròng còn 4,5 tỷ, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 tới 83%.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SJC cho rằng, trong các ngành, bất động sản và xây dựng vẫn là lĩnh vực có độ rủi ro cao nhất, do đó cổ phiếu nhóm này bị ảnh hưởng rất nhiều.
Đồng thời, ông Tuấn chia sẻ thêm, các ngành thuộc lĩnh vực đầu vào của xây dựng như sắt, thép… cũng bị tác động do mức tồn kho lớn. Hơn nữa, sự đóng băng của thị trường bất động sản lên các ngành này đã khiến kết quả hoạt động kinh doanh của họ hầu như ở mức rất thấp hoặc thua lỗ, ông Tuấn nhận định.
Ngành chứng khoán hiện cũng có 5 đơn vị đã công bố tình hình kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm, tính đến giữa tháng 10/2012, bao gồm Chứng khoán An Phát, Chứng khoán BIDV (BSI), Chứng khoán Kim Long, Chứng khoán APEC (APS), Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) và Chứng khoán Vietinbank (CTS).
Trong đó, 2 doanh nghiệp lỗ ròng quý III là Chứng khoán An Phát với âm 784 triệu đồng và Chứng khoán BIDV với âm 7,68 tỷ đồng. Doanh thu quý III của Chứng khoán BIDV đạt 33,37 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2011. Công ty cho biết, đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế xuống mức âm.
Xét về lũy kế 9 tháng, hiện tại mới chỉ có Chứng khoán Kim Long dự kiến lỗ 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp lãi nhiều nhất là Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) với 64,5 tỷ đồng lãi ròng lũy kế 9 tháng.
Riêng quý III, VIG thu về 1,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, doanh thu đạt 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này cho biết, mức doanh thu quý vừa rồi thấp hơn cùng kỳ năm trước tới gần 70%, trong đó, nghiệp vụ môi giới chỉ mang lại 230 triệu đồng.
Theo ông Tuấn, cũng giống như bất động sản, ngành tài chính tính tới quý III vẫn chưa thấy có điểm sáng. Trong đó, “các công ty kinh doanh chứng khoán có doanh thu nhưng cũng không đáng kể, nhiều đơn vị thu còn không đủ bù chi, chủ yếu hưởng lợi từ hợp tác đầu tư hoặc dịch vụ margin”.
Ông Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán đã có một nhịp bùng lên, xuất hiện tín hiệu tốt về thanh khoản. Tuy nhiên, tới quý III, tín hiệu này lại xuống rất thấp, tương đưong lợi nhuận quý III so với những tháng đầu năm không khả quan.
Thêm vào đó, ngoài chứng khoán, ngành ngân hàng cũng được dự báo là không tốt hơn so với cùng kỳ và các năm vừa rồi. “Mặc dù báo cáo tài chính các nhà băng báo lợi nhuận, tôi vẫn thấy nghi ngờ kết quả này. Tôi cho rằng nếu hạch toán đầy đủ, khả năng lãi cũng ko thể tốt hơn năm vừa rồi”.
Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC giải thích thêm, lợi nhuận ngân hàng chủ yếu đến từ chênh lệch lãi suất. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lại chưa đến 2%, có nghĩa, so với năm vừa rồi, mức này là ko đáng kể. Tuy vậy, nợ xấu lại tăng lên rất nhiều, đặc biệt đối với những nhà băng thuộc nhóm trước đây tham gia bình ổn vàng.
Dự báo từ nay tới cuối năm, ông Tuấn nhận định, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện và đi theo xu hướng tốt. Bước sang giai đoạn quý IV, các doanh nghiệp sẽ vay nhiều hơn, tăng trưởng tín dụng nhờ đó cũng khá theo.
Tuy nhiên, “cục băng” bất động sản vẫn không có gì mới, các ngành lãi nhiều nhất sẽ thuộc về những lĩnh vực độc quyền và hàng hóa tiêu dùng như sữa, cao su, hóa chất.. Đây là những mảng được nhiều chính sách hỗ trợ, chẳng hạn ngành cao được vay vốn lãi suất thấp, đầu ra ổn định, giá nguyên liệu đầu vào lại giảm, ông Tuấn chia sẻ.
Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc Chứng khoán VNDIRECT cũng kỳ vọng quý IV sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan hơn khi mặt bằng lãi suất các quý trước đó giảm, một số biện pháp của chính phủ áp dụng nhằm tăng tổng cầu phát huy hiệu quả.
Theo: Vnexpress
Tin tức liên quan
Hỗ trợ
Trong quá trình cài đặt hoặc sử dụng gặp vấn đề gì cần hỗ trợ hãy liên hệ (hỗ trợ miễn phí)
- Support:0938.525.991 (Mr.Long)
- Support: 0906.976.709 (Mr.Quốc)
- Support:0931.136.810 (Mr.Trọng)
- Support: 0911.562.204 (Mr.Hải)
- Email: vzsoft2010@gmail.com
© Copyright 2012