Sáng 9/11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát thực tế tiền lương, thu nhập và mức sống tối thiểu trong các doanh nghiệp.

Ngay sau công bố này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất năm 2013, Chính phủ cần điều chỉnh mức lương tối thiểu cao nhất là 3 triệu đồng một tháng nhằm đáp ứng khoảng 80% mức sống tối thiểu người lao động.

Ảnh: Hoàng Hà
Có tới 28,5% người lao động không hài lòng với mức lương hiện tại. Ảnh: Hoàng Hà

Cuộc khảo sát được thực hiện tại 60 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đại diện 4 vùng lương trong cả nước. Nhóm nghiên cứu đã phát 2.000 phiếu hỏi tới người lao động, chủ yếu là đối tượng trực tiếp lao động sản xuất trên nhiều lĩnh vực để tìm hiểu về tiền lương, thu nhập thực tế và chi phí cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ.

Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương thực tế mà người lao động nhận được trung bình là hơn 2,8triệu đồng một tháng tháng. Cụ thể mức lương của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước là hơn 3,5 triệu đồng một tháng, doanh nghiệp FDI là hơn 2,6 triệu đồng, đơn vị dân doanh hơn 2,8 triệu đồng. Tính về nhóm ngành nghề, mức lương cao nhất thuộc về lĩnh vực giao thông, xây dựng với hơn 3,5 triệu đồng một tháng thấp nhất thuộc về lĩnh vực sản xuất giày da ở mức 2,6 triệu đồng.

Xét về tổng thu nhập trung bình của người lao động, mức cao nhất là doanh nghiệp Nhà nước đạt gần 4,5 triệu đồng một tháng, sau đó là doanh nghiệp FDI đạt hơn 3,7 triệu đồng, nhóm dân doanh gần 3,5 triệu đồng. Từ kết quả trên, báo cáo nhận định tiền lương thực tế trung bình của người lao động trong doanh nghiệp FDI nhận được thường cao hơn so với lương cơ bản gần 18 %.

Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, nguyên nhân là bởi doanh nghiệp FDI muốn tách các thành phần cấu thành tiền lương ra thành các khoản phụ cấp trợ cấp để giảm số tiền đóng bảo hiểm xã hội. "Ngoài ra khi DN khó khăn, họ cũng có thể cắt phu cấp mà không mang tiếng là giảm lương của người lao động" ông Điều cho biết.

Với câu hỏi khảo sát liệu người lao động có hài lòng với công việc và thu nhập của mình không thì chỉ có 0,8% người trả lời rất hài lòng, trong khi có tới 28,5% người nói không hài lòng, và hơn 57% nói tạm hài lòng.

Cũng theo khảo sát, chi tiêu của một gia đình người lao động (phổ biến là 3 người) mất khoảng 4,6 triệu đồng một tháng. Với mức chi tiêu này thì tiền lương tối thiểu theo vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng từ 40 - 46% chi tiêu của người lao động. Nếu xét về mức sống tối thiểu thì mức lương tối thiểu hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Cũng theo ông Điều, tiền lương FDI thấp nhưng thu nhập ngoài lương lại cao, vì vậy mà doanh nghiệp tìm cách trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Từ thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất năm 2013, Chính phủ cần điều chỉnh mức lương tối thiểu đạt 80% mức sống tối thiểu người lao động. Cụ thể, mức đề xuất lương tối thiểu vùng I sẽ là 3 triệu đồng, vùng II là 2,8 triều đồng, vùng III là 2,5 triệu đồng, vùng IV là 2 triệu đồng. Trước đó, phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình lên Chính phủ tại vùng cao nhất là 2,7 triệu đồng một tháng.

Lý giải mức đề xuất này, ông Đặng Quang Điều cho biết: "Theo lộ trình điểu chỉnh tiền lương tối thiểu, năm 2015 mức này phải bằng mức sống tối thiểu. Nếu 2013, lương tối thiểu không bằng 80% mức sống tối thiểu thì đến năm 2015 khó có thể đạt được mục tiêu".

Cùng với đề xuất tăng lương tối thiểu, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị tăng mức ăn ca cho người lao động trong các khu công nghiệp. Cụ thể: vùng I là 20.000 đồng một vùng II là 18.000 đồng, vùng III là 16.000 đồng, vùng IV là 14.000 đồng. Theo đánh giá của Viện dinh dưỡng, hiện bữa ăn của người lao động không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng, đó là chưa kể hiện trạng ngộ độc thực phẩm thường xuyên xảy ra.

(Theo Dân Việt)

Tin tức liên quan