Cả nước đã có 62.794 doanh nghiệp thành lập mới, lớn hơn rất nhiều so với con số 48.000 doanh nghiệp giải thể, tuy nhiên, chưa chắc số khai sinh này đã “bù” nổi hậu quả để lại do số DN chết đi.

 

Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Diễn đàn Đầu tư & Phát triển doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 11/12, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Đặng Huy Đông, 11 tháng cả nước có 62.794 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 403.000 tỉ đồng, giảm 10% về số lượng và 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2011, trong khi số DN giải thể là 48.000. Còn theo con số ước tính đến hết năm 2012, có khoảng 55.000 DN ngừng hoạt động và giải thể. Tính chung, số DN dừng hoạt động vẫn thấp hơn số DN đăng ký mới. 

Ông Đông cho rằng, trên thế giới, việc giải thể DN là hết sức bình thường, dao động trong khoảng 11-15% số DN, đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. 

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, xu thế giải thể chủ yếu nằm ở nhóm các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và dịch vụ chứng khoán.

 

 

 


“Việc đổ vỡ hàng loạt sẽ không xảy ra như chúng ta vẫn lo ngại, đặc biệt là với DN nhỏ và vừa với việc các DN này đang thể hiện khả năng thích ứng cao. Có thể thấy đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ đầu cơ các lĩnh vực rủi ro sang các lĩnh vực mang tính bền vững hơn như chế biến, chế tạo, văn hóa, giáo dục và y tế”, ông Cương nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không lạc quan như vậy. Bà cho rằng, để biết thực hư tình trạng của DN, nên căn cứ vào số nộp thuế. Theo thông tin gần đây nhất của ngành thuế, có tới 40% số DN đăng ký kinh doanh không còn nộp thuế, các DN chưa ngưng hoạt động nhưng phải giảm công suất còn rất nhiều và có thể “chết” trong năm tới. 

“Hơn nữa, DN chết là thật với hàng nghìn lao động mất việc, trong khi DN mới ra đời với số lao động đăng ký, chưa thực tuyển không chứng tỏ được điều gì. Đừng nghĩ số DN mới thành lập có thể bù đắp được cho số DN chết đi. Thậm chí, có tình trạng DN đã “chết” sau khi hoàn tất thủ tục giải thể lại tiếp tục đăng ký mới, xin “sống lại” để vay vốn chứ thực chất không phải DN thành lập mới hoàn toàn- theo nghĩa là hồi phục đời sống kinh doanh”, bà Lan nói.
Bà Lan phân tích tiếp, không đến mức phải giải thể song nhiều DN cũng phải tự “bán mình” thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đang khá rầm rộ thời gian qua. Nhiều DN phải tiến hành bán hoặc sáp nhập do tình thế bắt buộc, rơi vào đường cùng, chứ không hẳn là vì nhu cầu điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Một “nguồn lực” lớn này đang rơi vào tay các chủ sở hữu nước ngoài qua M&A. Trong khi đó, để có được lực lượng DN như hiện nay, chúng ta phải mất thời gian rất dài. 
Hiện nay, không ít các chính sách được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn thuế…nhưng vẫn bị đánh giá là chưa sát đời sống DN. Hơn nữa, nhiều chính sách bị vô hiệu hóa bởi các quyết định ngược chiều do thiếu sự phối hợp, hỗ trợ của cơ quan này chưa kịp đến với cộng đồng DN đã bị cơ quan khác tước ngay. 

Theo: Vietnamnet

Tin tức liên quan