Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu công chức, viên chức tiết kiệm tối đa điện nước, xăng xe, văn phòng phẩm, chi phí hội thảo... Lãnh đạo bộ cũng yêu cầu toàn ngành hoàn thành tốt trách nhiệm thu ngân sách được giao.

 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành văn bản chỉ thị về tiết kiệm chi tiêu và tăng thu ngân sách cho 2 tháng cuối năm 2013. "Thời gian còn lại của năm không nhiều, trong khi khối lượng nhiệm vụ phải triển khai của ngành còn rất lớn", chỉ thị nhấn mạnh.

 

dinh-tien-dung-1nm-2908-1383899364.jpg

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận còn nhiều việc phải làm trong 2 tháng cuối năm.

 

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay theo đánh giá của Bộ trưởng là tiết kiệm chi tiêu thường xuyên khi ngân sách hụt thu lớn. Do đó, ông yêu cầu "tăng cường thắt chặt", "tiết kiệm hơn nữa" các khoản như tiền nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...

 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ không xử lý bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách. Đến hết năm, dự toán chi thường xuyên đã giao nhưng sử dụng chưa hết sẽ bị hủy bỏ.

 

Trước đó, số liệu báo cáo cho thấy 2013 sẽ là năm đầu tiên ngân sách hụt thu. Tổng thu ngân sách 10 tháng ước đạt gần 618 nghìn tỷ, chỉ bằng 75,8% dự toán, trong đó thu từ nội địa chưa đạt hai phần ba dự toán năm.

 

Để tăng thu cho ngân sách, Bộ trưởng yêu cầu cụ thể hoá chỉ tiêu các tháng còn lại cho từng đơn vị, cá nhân theo từng tuần, từng tháng. Không chỉ vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuế, hải quan chịu trách nhiệm về việc hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2013 được giao.

 

Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ Tài chính, các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế hoặc đã được hoàn thuế, dùng hóa đơn bất hợp pháp, có dấu hiệu chuyển giá... sẽ tiếp tục vào tầm ngắm của thanh tra ngành tài chính để chống thất thu cho ngân sách.

 

Bộ cũng cho biết, không loại trừ việc cùng Kho bạc nhà nước, ngân hàng cưỡng chế phong tỏa tài khoản những doanh nghiệp vi phạm. Nếu chưa nộp đủ tiền thuế nợ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ bị dừng làm thủ tục thông quan, ngừng phát hành hóa đơn bán hàng hoặc thậm chí cưỡng chế, thu tiền, tài sản...

 

Theo: Vnexpress.net

Tin tức liên quan