Thành công kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô trong năm 2013 đã phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và sự suy kiệt của hàng chục nghìn doanh nghiệp.

 

Năm 2013 kết thúc với việc Chính phủ đã kiểm soát thành công lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt được những dấu ấn trên Việt Nam đã phải đánh đổi bằng tăng trưởng kinh tế và nguồn lực ngày càng suy giảm.

 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 tăng khoảng 5,42%, là năm thứ ba liên tiếp tăng dưới 6% và không hoàn thành mục tiêu đề ra. "Tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu, thị trường tiêu thụ trong nước thu hẹp, cải cách kinh tế chậm triển khai đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng năm 2013", PGS-TS Đào Văn Hùng - Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

 

Doanh nghiệp - động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - vì thế phải tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính năm nay có khoảng 60.737 doanh nghiệp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước. Phần lớn trong số này là chọn cách chết "im lặng" khi có tới 40.116 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký.

 

doanh-nghiep-9088-1387969759.jpg

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể ngày càng tăng lên, tiệm cận với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Vốn đăng ký của các doanh nghiệp xin gia nhập thị trường cũng ngày càng giảm. Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: GSO/MPI

 

Lượng doanh nghiệp chết đi ngày càng nhiều, trong khi số gia nhập thị trường tỏ ra thận trọng vì "không biết ngày mai sẽ ra sao". Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sắp gia nhập thị trường ngày càng giảm đi. Tính bình quân, quy mô vốn một doanh nghiệp mới thành lập năm 2013 là 5,18 tỷ đồng (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ còn 4,18 tỷ đồng), giảm so với mức 6,68 tỷ đồng của năm 2012. Bi quan hơn, PGS-TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng nhiều doanh nghiệp đăng ký trên chưa chắc sẽ hoạt động năm 2014, còn số đã khó khăn thì sắp tới có thể chết hẳn.

 

Trong khi đó, số còn trụ lại được đang phải gắng gượng vượt qua nhưng cơn sóng dữ. Ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital dẫn số liệu thống kê của tổ chức này cho biết, trong khoảng 800 doanh nghiệp đang niêm yết, mới chỉ 10% thực sự vượt qua  khủng hoảng, 70% còn lại đang gặp khó khăn và 10 - 20% thực sự rất khó khăn, tập trung ở nhóm bất động sản.

 

Nhận thấy những khó khăn của doanh nghiệp phần lớn do yếu tố khách quan, nhà điều hành đã đưa ra nhiều nhiều chính sách hỗ trợ thị trường thời gian qua như tháo gỡ hàng tồn kho, miễn, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, cứu thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu ngân hàng... đã được đưa ra. Song, việc triển khai vẫn còn chậm và chưa đem lại hiệu quả rõ rệt, như gói 30.000 tỷ đồng phá băng thị trường bất động sản đến nay mới giải ngân được 2%, tín dụng tiếp tục tăng trưởng thấp, nợ xấu ở mức cao...

 

Tự bỏ vốn gây dựng doanh nghiệp, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Bắc Ninh bức xúc: "Doanh nghiệp hiện nay rất khó, sức mua yếu khiến chúng tôi phải giảm giá bán tới 20%, mức kinh khủng nhưng vẫn phải chấp nhận vì thị trường hiện nay chỉ có bán rẻ mới có người mua". Nhắc đến chuyện vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh, vị này cho rằng quá liều lĩnh. "Với đầu ra khó khăn như hiện nay thì vay để làm gì!. Doanh nghiệp chả dại lại đem tài sản đi vay ngân hàng lúc này, mỗi tháng lại phải trả lãi", ông nói.

 

Tâm trạng chán nản của vị Giám đốc trên cũng là nỗi niềm chung của đại bộ phận lãnh đạo trong năm qua. Do tính chất công việc, ông Lê Chí Phúc đã tiếp xúc với nhiều chủ doanh nghiệp nhưng đúc kết lại, ông cho biết niềm tin của những vị này năm 2013 còn xấu hơn giai đoạn trước. "Năm 2011 - 2012, nhiều chủ doanh nghiệp rất kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như xử lý nợ xấu, giải cứu thị trường bất động sản, tuy nhiên, đến năm 2013 nhiều người trong số họ tỏ ra chán nản vì những chính sách của Chính phủ đến chậm", ông bày tỏ.

 

Còn nhớ, trong buổi gặp gỡ 30 lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tiêu biểu hồi tháng 8/2013, sau khi cập nhật hiện tại chỉ còn hơn nửa doanh nghiệp đã đăng ký thành lập còn sống sót, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không khỏi lo ngại về sự nhiệt huyết của các ông chủ: "Lúc nền kinh tế hưng thịnh thì đặt mục tiêu năm 2020 có một triệu doanh nghiệp, nhưng bây giờ không thấy nói gì nữa, hay không đeo đuổi nữa?", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

 

Thực trạng trên khiến tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cũng phải chua xót: "Khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), chúng ta nói chúng ta có một đội thuyền thúng. Đội thuyền thúng này đã ra biển rồi nhưng các chính sách từ bấy giờ đã làm chúng tan nát hết".

 

Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút kéo theo ngân sách Việt Nam lần đầu tiên bị thất thu sau nhiều năm vượt dự toán, số người thiếu việc làm xu hướng gia tăng. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho hay, năm 2013 cả nước có khoảng 1 triệu người thất nghiệp, trong đó có tới 48% là thành niên từ 15-24 tuổi. Đặc biệt, có khoảng 101.000 sinh viên ra trường năm qua chưa tìm được việc làm, chiếm gần 10% tổng số người thất nghiệp.

 

Môi trường kinh doanh tiềm ẩn rủi ro cũng khiến doanh nghiệp dè chừng hơn. "Chúng tôi chưa thể đưa ra một chiến lược dài hạn vì không biết lạm phát có ổn định hay không, Chính phủ cho phép nới đầu tư ra sao. Nếu chính sách không hiệu quả, xuất hiện bong bóng mới thì đầu tư lại tiếp tục thận trọng", lãnh đạo SGI Capital chia sẻ.

 

Sang năm 2014, với việc các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn và dư địa từ các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tổng cầu cuối năm 2013, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia đều kỳ vọng nền kinh tế sẽ sáng sủa hơn, môi trường kinh doanh tốt dần lên.

 

"Với những chính sách hai năm gần đây, tôi tin tưởng 2014 tình hình kinh tế sẽ ổn định hơn, là điều kiện tiên quyết để các tổ chức kinh doanh lên kế hoạch sản xuất", lãnh đạo một doanh nghiệp phía Bắc chia sẻ. Tuy nhiên, vị này cho rằng các chính sách của Chính phủ cần được thực thi hiệu quả hơn, nhất là xử lý nợ xấu của ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng và có cơ chế giúp các doanh nghiệp có dòng tiền ổn định vượt qua khó khăn.

 

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cũng nhấn mạnh, các chính sách kinh tế sắp tới cần tập trung hơn vào việc đồng tiền sẽ được sử dụng như thế nào, bởi hơn 90 triệu người dân Việt Nam, hàng triệu người lao động sẽ phụ thuộc vào việc cởi nút thắt của kinh tế.

 

Nếu giải quyết được những vấn đề trên, doanh nghiệp "tin tưởng" trở lại thì kinh tế sẽ phục hồi, như lời Chủ tịch nước đã thúc giục: "Khó khăn chỉ nhất thời thôi, phải hết sức kiên trì, đừng quên con số một triệu doanh nghiệp mà vẫn phải đeo đuổi".

 

 

Theo: Vnexpress.net

Tin tức liên quan