Nới lỏng tỷ giá giá để khuyến khích xuất khẩu?
Thả nổi nội tệ kích thích xuất khẩu
NHNN vừa điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng từ ngày 7/5/2015, từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.
Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD. Động thái tích cực này của NHNN được cho là sẽ giảm bớt những khó khăn của XK thủy sản do biến động về tỷ giá ngoại tệ trong thời gian gần đây.
Hiện có đến hơn 90% doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chọn USD là đồng tiền thanh toán trong thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Do vậy, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng từ ngày 7/5/2015, từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD; với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD; sẽ tác động trực tiếp theo hướng tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước đối thủ như Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh… vì Chính phủ các nước nhập khẩu đang thả nổi tỷ giá nước họ lên tới hàng chục % để khuyến khích xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trên thị trường thế giới, VND đang thực sự yếu hơn so với các đồng Nhân dân tệ, Rupee, Taka, Peso… Đây là một thiệt thòi của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước có nguồn cung khác.
Theo VASEP, ước tính từ đầu năm đến nay, đồng JPY đã giảm từ 15 - 20%, đồng EUR cũng giảm sâu tới 20% so với USD. Điều này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu của hai thị trường lớn thứ 2 và 3 của thủy sản Việt Nam là EU và Nhật Bản giảm mạnh.
Việc duy trì chính sách đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập khẩu của nhiều quốc gia khiến cho xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Điều này đã tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của các nước sang thị trường Mỹ và các thị trường nhập khẩu lớn khác, trong khi các khách hàng nhập khẩu phải mua hàng Việt Nam với giá cao hơn.
Theo phân tích của ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, khi tỷ giá giữa USD và VND tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản mang USD về Việt Nam đổi ra VND nhiều hơn, như vậy doanh nghiệp sẽ có lợi hơn, còn người nuôi sẽ bán giá cao hơn.
Nhưng về mặt thị trường thì còn phụ thuộc vào nhu cầu của nước nhập khẩu. Song, chủ yếu vẫn phải dựa trên cơ sở khi doanh nghiệp cân đối được tỷ giá thì họ sẽ gia tăng xuất khẩu hoặc đồng ý với mức giá tương ứng. Do đó, việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ giúp cho hàng hoá Việt Nam nói chung và hàng thuỷ sản nói riêng nâng sức cạnh tranh trên thị trường và thúc đẩy xuất khẩu.
TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghệ và Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng việc USD đã lên giá rất mạnh trong thời gian qua đã khiến nhiều đồng tiền khác cũng buộc phải phá giá, trong đó có những đồng tiền mạnh như euro, yen Nhật.
Trong khi đó, VND vẫn đang được định giá quá cao so với USD (ước tính giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2015, đồng USD đã lên giá 24%, trong khi VND chỉ được điều chỉnh 1%). Việc “neo” cứng đồng nội địa đã gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù quyết định phá giá VND gây bất lợi cho nền kinh tế, đơn cử như giá hàng hoá nhập khẩu sẽ tăng lên, tác động vào lạm phát khi tăng tỷ giá 1% sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,2%; làm cho nợ công tăng thêm và lòng tin của người dân với tiền đồng bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng lên; song, nếu “cân đo” giữa mặt lợi và hại với nền kinh tế, ông Hiếu cho rằng, việc tăng tỷ giá mang lại nhiều lợi ích hơn, đó là thúc đẩy xuất khẩu.
Ông Hiếu cũng cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá cũng có lợi cho NHNN để bổ sung nguồn dự trữ quốc gia. Ngay cả nhập khẩu cũng không phải bất lợi hoàn toàn, vì khi tiền đồng tăng, doanh nghiệp nhập khẩu phải rà soát lại kế hoạch kinh doanh do tăng giá, ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng cuối cùng, nên doanh nghiệp sẽ phải rà soát lại.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Ngô Văn Hiền (Học viện Tài chính), cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng 1% là đúng và cần thiết trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới biến động, đồng USD lên giá quá cao. Do đó, động thái của NHNN sẽ mang lại nhiều mặt tích cực hơn cho nền kinh tế, giúp cho xuất khẩu tăng trưởng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh 1% tức là sử dụng hết biên độ cho phép mà NHNN đặt ra đã khiến nhiều chuyên gia tỏ ra khá lo ngại về mục tiêu điều hành tỷ giá không quá 2% trong năm nay là khó khả thi.
Theo ông Hiếu, NHNN đã không dự báo được hết diễn biến tình hình thị trường tiền tệ và sự lên giá của đồng USD trong thời gian qua, trong khi đó, áp lực tỷ giá cuối năm sẽ ngày càng lớn, khi nền kinh tế đang phục hồi tích cực trở lại, đồng USD chưa có cơ hội giảm sâu, nên việc giữ mục tiêu “cứng” 2% là “quá mỏng”. Do đó, việc nới room thêm 1% từ nay đến cuối năm là yếu tố mà NHNN cần tính đến trong thời gian tới.
Đặt trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang phục hồi và tăng mạnh trở lại, ông Hiền cũng đồng tình với quan điểm có thể tính tới việc điều chỉnh tỷ giá ở mức 3% trong năm nay.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này còn phụ thuộc vào diễn biến của đồng USD và sự phục hồi của nền kinh tế trong nước từ nay đến cuối năm.
Một chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, nếu đồng USD không mạnh lên thì việc giữ mức 2% là khả thi, song nếu đồng USD tiếp tục tăng và hoạt động xuất khẩu vẫn không đạt được như mong muốn, thì việc tiếp tục phải điều chỉnh tỷ giá là cần thiết. Do đó, đây sẽ là thách thức của NHNN trong việc điều hành chính sách tỷ giá trong thời gian tới, đảm bảo tính ổn định song vẫn linh hoạt và chủ động.
Chính sách neo buộc tỷ giá
Chế độ điều hành tỷ giá ngoại tệ là cách thức mà chính phủ một quốc gia (thường thông qua ngân hàng trung ương) điều hành giá trị đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền của các quốc gia khác. Chính sách điều hành tỷ giá có mối liên quan chặt chẽ với chính sách tiền tệ, hai chính sách này có quan hệ phụ thuộc nhau trên nhiều phương diện.
Các quốc gia áp dụng chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh thường neo tỷ giá ở một giá trị, đồng thời cho phép tỷ giá được dao động hàng ngày trong một biên độ nhất định (ví dụ ±3%). Khi thị trường ngoại hối thế giới có biến động lớn và kéo dài, ngân hàng trung ương sẽ cân nhắc để điều chỉnh tỷ giá. Ở Việt Nam hiện nay, việc duy trì chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh đã góp phần làm giảm chi phí và rủi ro giao dịch, cải thiện nền kinh tế vĩ mô.
Để NHNN có khả năng thực thi được chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh, hiện đang tồn tại các điều kiện khá thuận lợi là cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu trong 3 năm (2012 - 2014, riêng năm 2014 xuất siêu 2 tỷ USD). Điều này khiến nguồn cung ngoại tệ tăng lên trong khi cầu ngoại tệ giảm mạnh (đặc biệt là đối với USD, do phần lớn các hoạt động xuất - nhập khẩu của Việt Nam được giao dịch bằng USD).
Nguồn cung ngoại tệ tăng mạnh trong mấy năm qua không chỉ do xuất siêu, mà còn là kết quả tổng hợp của các nguyên nhân khác, trong đó có: Nguồn kiều hối gửi về nước tăng mạnh (đạt trên dưới khoảng 12 tỷ USD/năm); nguồn vốn FDI giải ngân đạt khoảng 10 - 11,5 tỷ USD/năm; nguồn vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4 tỷ USD/năm.
Với các nguồn cung ngoại tệ tăng mạnh, NHNN, thông qua các hoạt động mua vào ngoại tệ, hiện nắm giữ trong tay một lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục ước tính khoảng 35 tỷ USD. Lượng dự trữ ngoại hối cao cho phép NHNN có khả năng can thiệp giữ ổn định tỷ giá khi thị trường có biến động lớn, bằng cách bán ngoại tệ ra khi giá lên nhằm hạn chế tối đa sự dao động của tỷ giá.
Tình trạng đô la hóa nền kinh tế đã giảm mạnh trong các năm gần đây, trong khi niềm tin vào đồng nội tệ tăng lên; đồng thời, lãi suất tiết kiệm gửi bằng VND cao hơn nhiều so với gửi bằng USD; đã khiến nhu cầu nắm giữ USD trong dân cư và tình trạng đầu cơ USD trên thị trường giảm mạnh, do vậy giảm áp lực về cầu ngoại tệ.
Thực tế, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời, giúp duy trì sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Thực tế trong mấy năm vừa qua đã cho thấy tác dụng tích cực của chính sách tỷ giá là: (i) Giữ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được ổn định. Việc tỷ giá được duy trì ổn định giúp các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất - nhập khẩu có thể lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm và thực thi kế hoạch đó một cách ổn định; (ii) Giữ cho gánh nặng nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ quốc gia nói chung không tăng lên; (iv) Giảm áp lực lên lạm phát. Việc giữ cho đồng nội tệ không bị mất giá trong một khoảng thời gian tương đối dài giúp giảm áp lực cả đối với lạm phát kỳ vọng và lạm phát thực tế.
Song, chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh cũng gây ra không ít bất lợi cho nền kinh tế, cụ thể là: NHNN hiện theo đuổi chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh bằng cách giữ tỷ giá ổn định trong một thời gian khá dài và tuyên bố mức dao động tỷ giá thường không quá 2% năm. Trong khi đó, trên cục diện chung của thị trường thế giới, đồng USD hiện vẫn đang trong xu hướng lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Neo giá vào thời điểm USD tăng trên thị trường thế giới đã khiến đồng VND tăng giá quá cao so với USD cũng như so với các đồng tiền ngoại tệ khác, khiến năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị giảm mạnh. Đồng VND tăng giá quá cao không khuyến khích xuất khẩu, nhưng lại khuyến khích nhập khẩu, khiến xuất khẩu có thể giảm và nhập khẩu tăng, do đó nhập siêu có khả năng tăng.
Việc đồng VND tăng giá quá cao so với USD còn gây ra tình trạng tỷ giá chính thức có thời điểm chênh lệch lớn so với tỷ giá trên thị trường tự do. Điều đó khiến hoạt động đầu cơ ngoại tệ vốn giảm mạnh trong mấy năm qua có thể sẽ bùng quát quay trở lại. Hoạt động này nếu mạnh lên có thể sẽ gây bất lợi lớn cho hoạt động của thị trường ngoại hối.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá giữa VND và USD biến động mạnh và bất thường. Điều này đe dọa đến tính thống nhất trong chính sách tỷ giá với biên độ chính thức được NHNN xác định 2% cũng như phá vỡ cân đối kinh tế vĩ mô khác.
Đầu tháng 4/2015, đồng USD đột ngột lên giá trên thị trường ngoại hối toàn cầu, trong đó có Việt Nam, như một dấu hiệu cho thấy có những yếu tố tác động đến tính ổn định của tỷ giá hối đoái. Lần đầu tiên sau khoảng 12 năm, 1 USD đổi 1 EUR trên thị trường ngoại hối. Tỷ giá giữa VND và USD có thời điểm đạt đỉnh mới, 1 USD đổi 21.850 VND trên thị trường tự do.
Như vậy, có sự chêch lệch khá lớn và đáng kể giữa quy định tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do. Đây có thể xem là kết quả của chính sách ngoại hối không dựa trên nhiều đồng tiền mạnh trong hệ thống tiền tệ quốc gia là USD, EUR, JPY mà chỉ là chính sách neo buộc trực tiếp VND chủ yếu vào USD. Vì vậy, khi USD lên giá, tỷ giá VND với USD có sự thay đổi gần như đồng thời, kết quả của sự neo buộc quá chặt chẽ và tương quan của VND với USD.
Nguyên nhân tình trạng USD lên giá và VND có xu hướng giảm giá là do sức mua đối ngoại so với USD. Hơn nữa, do xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng thuận lợi, các rào cản bị giảm thiểu, các tác động mang tính truyền dẫn, nên khi USD lên giá sẽ nhanh chóng lan tỏa đến VND.
VND được bảo đảm giá trị không phải bằng vàng, USD hay các đồng tiền mạnh khác mà bằng chính sách tiền tệ hợp lý. Trong 15 năm gần đây, sức mua đối ngoại của VND giảm khoảng 1,4 - 1,5 lần, từ 100 nghìn VND đổi 7 USD nay chỉ còn 4,6 - 4,8 USD. Điều này cho thấy trong tương quan sức mạnh kinh tế, sự tụt hậu không tránh khỏi vì phải sử dụng đến “nước cờ cuối cùng” là giảm giá, thậm chí phá giá đồng tiền để hỗ trợ hay thúc đẩy xuất khẩu, điều này được nhiều quốc gia áp dụng, trong đó có Trung Quốc.
Cũng từ đầu năm đến nay, do việc giảm giá mạnh lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại Việt Nam (từ trên 6%/năm xuống dưới 5%/năm), khiến lượng cung ứng tiền, đặc biệt là M2, dư thừa cục bộ, trong bối cảnh USD lên giá, thị trường bất động sản chưa chuyển biến mạnh để thu hút tiền nhàn rỗi.
Khi USD có xu hướng tăng giá trên thị trường toàn cầu, trạng thái tâm lý được coi trọng và hiệu ứng đám đông có thể thay đổi trong ngắn hạn để thu lợi từ chênh lệch tỷ giá so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị mở rộng cửa nền kinh tế bằng hàng loạt hiệp định thương mại cũng như khả năng hàng nhập khẩu tràn ngập thị trường Việt Nam gây khó khăn trong quá trình đầu tư dài hạn, sẽ dẫn đến xu hướng sử dụng tiền Việt Nam nhàn rỗi để tìm lợi ích ngắn hạn là không tránh khỏi.
Những yếu tố này có tác động không nhỏ đến ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, cả sức mua đối nội và sức mua đối ngoại, trong tương quan với USD và gây ra tình trạng tỷ giá thay đổi đột ngột ngoài mong đợi. VND neo buộc trực tiếp với USD cho nên biến động khi USD biến động hoặc FED điều chỉnh lãi suất.
Trong thời gian dài, Việt Nam neo buộc dần với USD và điều này đã khai thác được các tác động tích cực, bảo đảm sự ổn định của VND trong khủng hoảng tài chính và sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Chính sách tỷ giá duy trì VND yếu không phù hợp với áp lực đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới mô hình tăng trưởng, mà chỉ khuyến khích xuất khẩu tài nguyên, sản phẩm thô, bán tài sản trong nước, kể cả tài sản công và lao động giá rẻ.
Điều chỉnh chính sách tiền lương theo hướng tăng lên và tái cơ cấu kinh tế đòi hỏi chính sách tỷ giá dứt khoát và kiên định, coi đây là một trong những yếu tố bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Tin tức liên quan
Hỗ trợ
Trong quá trình cài đặt hoặc sử dụng gặp vấn đề gì cần hỗ trợ hãy liên hệ (hỗ trợ miễn phí)
- Support:0938.525.991 (Mr.Long)
- Support: 0906.976.709 (Mr.Quốc)
- Support:0931.136.810 (Mr.Trọng)
- Support: 0911.562.204 (Mr.Hải)
- Email: vzsoft2010@gmail.com
© Copyright 2012