Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nội dung số, nếu không có sự khác biệt về mặt nội dung hay những tiện ích đặc biệt hơn hẳn những đơn vị khác thì sẽ rất khó khăn trong việc buộc người dùng phải trả tiền tải nhạc, và nếu thu thì chỉ có thể thu phí được trên di động vì tính "đóng" của môi trường này.

Thu phí trên di động dễ hơn trên Internet?

Từ 1/11, các website âm nhạc trong nước bao gồm Zing Mp3, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui, GoMusic, Nghenhac... sẽ đồng loạt thu phí trên website và di động. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam có chuyện thu phí tải nhạc mà việc thu phí tải nhạc trên di động đã diễn ra cách đây khá lâu. Ví dụ như trang web chacha.vn (VinaPhone) với mức phí 3.000 đồng/bài hát hay 5.000 đồng/7 ngày để tải, nghe không giới hạn, xalo.vn (Tinhvan) với mức phí 3.000 đồng/bài hát, 5.000 đồng/album hay 15.000 đồng/3 ngày để tải nhạc không giới hạn, hay socbay.vn (Naiscorp) với mức phí 15.000 đồng để tải khoảng 17 ca khúc về máy...

Thu phí tải nhạc dễ trên di động, khó trên web?

Tuy nhiên, đối với phiên bản trên website, các trang web này đều cho phép người dùng có thể tải file mp3 về máy mà không mất phí.

Ông Nguyễn Xuân Tài, Tổng Giám đốc Công ty Naiscorp, đơn vị chủ quản socbay.vn cho biết, phiên bản web của socbay.vn là công cụ tìm kiếm tin tức, mp3 nên file trên web chủ yếu ở dạng không đầy đủ về thông tin, thời gian như phiên bản trên di động và chủ yếu mang tính chất giới thiệu. Còn về câu chuyện thu phí trên di động hay web, mức độ khó khăn của 2 loại hình này là như nhau, bởi vỉ nếu người dùng đã muốn trả phí thì họ sẽ tìm mọi cách để thanh toán.

Trái ngược với ông Tài, theo ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty VTC Online, việc thu phí trên di động dễ hơn rất nhiều so với trên web. Bởi vì, trên di động, người dùng vừa có kênh thanh toán thuận lợi mà lại ít có sự lựa chọn về nội dung thay thế so với trên website. Cụ thể, nếu trên Internet, người dùng muốn thanh toán, họ sẽ phải có các tài khoản ngân hàng mà điều này không phải người sử dụng nào cũng có được, chưa kể đến các mối nguy hiểm trong thanh toán trực tuyến khiến họ ngại sử dụng, trong khi trên di động, việc thanh toán khiến người dùng yên tâm hơn rất nhiều.

Ngoài ra, do có thể tìm kiếm qua các kênh khác nhau như các website khác, diễn đàn... nên người dùng sẽ không sẵn sàng để trả phí tải nhạc. “Thực tế cho thấy, vài năm nay, việc kinh doanh nội dung theo yêu cầu trên di động của VTC Online rất tốt và hơn hẳn so với kinh doanh trên website”, ông Tuấn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng Giám đốc VMG cũng cho rằng, do môi trường di động là môi trường tập trung và do các nhà mạng quản lý nên việc thu phí, tính cước, kinh doanh rất dễ dàng. Nhưng trên môi trường Internet, do tính "mở" của nó nên người dùng có nhiều quyền để lựa chọn như cho nhau, tặng nhau, tạo ra các diễn đàn để chia sẻ hay tìm kiếm nhạc ở nhiều nguồn miễn phí khác nhau... nên nếu một doanh nghiệp nào đó áp đặt việc thu phí sẽ rất khó thành công, vì người sử dụng sẽ không sẵn sàng để trả tiền. "Đó là lý do tại sao Apple tạo ra iPhone thì mới có thể bán nhạc được trên iTunes, bởi vì người dùng buộc phải sử dụng iTunes thì mới tải được nhạc thay vì có thể vào bất kì trang web nào khác", ông Hà nhấn mạnh.

Sẽ chỉ có khoảng 3-5% người dùng chịu trả phí?

Cũng theo ông Tài, câu chuyện thu phí trên di động và website trong thời gian tới sẽ rất “khó khả quan” vì người dùng đã quen nghe nhạc miễn phí và có nhiều nguồn nhạc khác để thay thế chứ không chỉ có một vài website.

Ông Tuấn cho rằng, để có thể thu phí được trên di động, giải pháp quản lý bản quyền nội dung số (Digital Rights Management -DRM) phải thuận tiện và việc “đóng gói” file nhạc như thông tin… phải đầy đủ để người dùng có thể tặng cho nhau.

Đó là chưa kể đến khả năng tỷ lệ người dùng chấp nhận trả phí cũng sẽ rất ít, như ở game trên di động, có một tỷ lệ là trong số 100 người dùng đăng ký, chỉ có khoảng 10% sử dụng thường xuyên và 1% người dùng chịu trả tiền. “Tôi hi vọng con số người dùng trên di động chịu trả tiền mua nhạc rơi vào khoảng từ 3-5%”, ông Tuấn kết luận.

Cùng quan điểm, ông Hà cũng cho rằng, việc thu phí tải nhạc trên di động hay trên Internet là việc làm hoàn toàn đúng đắn nhưng doanh nghiệp đó phải dựa trên mô hình kinh doanh thực sự hợp lý, sản phẩm thu phí phải thực sự tốt, có những cập nhật độc quyền mà những đơn vị khác không thể đưa ra, đem lại những tiện ích hơn hẳn cho người dùng mà website khác không có. "Nếu chúng ta chỉ dựa vào nguồn bài hát mà những website khác cũng có được và cho rằng chỉ có tôi mới có quyền thì sẽ không thể thu phí được trên môi trường Internet", ông Hà cho biết thêm.

Bản thân VMG cũng đã từng cho người dùng tải nhạc, nghe playlist trên điện thoại miễn phí nhưng lại mất rất nhiều chi phí marketing, phát triển ứng dụng, quản lý nội dung. "Khi đó, lượng tải, nghe nhạc rất nhiều. Còn khi VMG thực hiện tính phí thì người dùng bỏ đi", ông Hà khẳng định.

 
Theo ICTNews

 

Tin tức liên quan