Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều ngày 20.10.2014, Quốc hội khóa XIII đã nghe Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật KTNN (sửa đổi).

 

 

Quang cảnh phiên họp

 

 
Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) đã chính thức trình Quốc hội, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động KTNN.

Tại Tờ trình dự thảo Luật KTNN (sửa đổi), Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn khẳng định, việc xây dựng dự án Luật KTNN (sửa đổi) là cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về KTNN và Tổng KTNN; tạo cơ sở pháp lý bền vững cho tổ chức và hoạt động của KTNN; bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Từ mục tiêu trên, hoạt động xây dựng Luật KTNN đã quán triệt nguyên tắc: thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTNN; phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; hỗ trợ phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, HĐND trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của các địa phương; bảo đảm tính độc lập cao đối với hoạt động KTNN; quy định rõ địa vị pháp lý của KTNN, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN; bảo đảm kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật KTNN hiện hành; sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung Luật KTNN nhằm cụ thể hóa các quy định về KTNN trong Hiến pháp 2013
Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 9 chương, 80 điều (tăng 1 chương, 04 điều so với Luật hiện hành); tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động KTNN.

Cụ thể, về phạm vi đối tượng kiểm toán, dự thảo Luật đã giải thích, làm rõ nội hàm khái niệm “tài chính, tài sản công” thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN theo quy định của Hiến pháp trong điều kiện chưa có Luật nào quy định đầy đủ về “tài chính, tài sản công”. Đặc biệt, đối với quy định về địa vị pháp lý của KTNN, nhằm đảm bảo phù hợp với quy định trong Hiến pháp về KTNN và qua tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định “KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Tờ trình của KTNN cũng khẳng định, vị trí, vai trò của KTNN được thể hiện thông qua chất lượng và giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Do đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý tên điều quy định về “giá trị của báo cáo kiểm toán” thành “giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán” đồng thời chỉnh sửa lại nội dung quy định này theo hướng quy định rõ hơn giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.

Liên quan đến quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng làm rõ chức năng của KTNN là “kiểm tra, đánh giá, xác nhận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” cho phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao và thông lệ quốc tế; đồng thời khắc phục được tồn tại do đồng nhất chức năng với các loại hình kiểm toán của KTNN. Đặc biệt, để nâng cao tính độc lập của KTNN, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về nhiệm vụ quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm cho rõ ràng và phù hợp hơn, bổ sung một số quy định nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng đã quy định chi tiết hơn, khắc phục những bất cập của Luật KTNN hiện hành về chức danh Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng, trong đó bổ sung quy định về tiêu chuẩn Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng phải là Kiểm toán viên chính trở lên.

Đối với quy định về Tổng KTNN và Phó Tổng KTNN, dự thảo Luật quy định rõ ràng và phù hợp hơn thẩm quyền bầu Tổng KTNN, đồng thời nâng thẩm quyền cho Tổng KTNN quyết định một số nội dung mà theo Luật KTNN hiện hành thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (quy định về quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực KTNN; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm kiểm toán viên cao cấp); bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổng KTNN…

Bên cạnh đó, quy định về kiểm toán viên nhà nước cũng được sửa đổi để khắc phục bất cập của Luật KTNN hiện hành và phù hợp với Luật cán bộ, công chức. Theo đó, dự thảo Luật không quy định chức danh Kiểm toán viên dự bị; đồng thời bổ sung và quy định chi tiết về tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước, nhằm đảm bảo chất lượng và tính độc lập của kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán.

Cũng theo Tờ trình của KTNN, dự thảo Luật đã kế thừa quy định về Tổ kiểm toán đồng thời bổ sung quy định “Tùy thuộc vào quy mô cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán hoặc không có Tổ kiểm toán”. Cùng với đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về tiêu chuẩn Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán; bổ sung quy định về báo cáo kiểm toán của Tổ kiểm toán.

Liên quan đến nhiệm vụ kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật không quy định riêng về kiểm toán lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bí mật nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định công khai kết quả kiểm toán “trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của KTNN
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) lần này đó là quy định về đơn vị được kiểm toán. Theo Tờ trình của KTNN, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung nội dung này theo hướng cụ thể hóa đối tượng kiểm toán của KTNN gồm: đơn vị sự nghiệp công lập; các doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; bổ sung cơ quan quản lý sử dụng nợ công; các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng dành riêng một chương mới quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của KTNN. Những quy định này tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao trách nhiệm cuảcác cơ quan, các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của KTNN; góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm toán, thực hiện nghiêm chỉnh kết luận, kiến nghị kiểm toán và sử dụng có hiệu quả kết quả kiểm toán của KTNN.

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn đã nêu rõ một số vấn đề cụ thể trình xin ý kiến Quốc hội, tập trung vào các vấn đề như: giải thích thuật ngữ “tài chính, tài sản công”; nhiệm vụ xây dựng kế hoạch kiểm toán năm; nhiệm kỳ của Tổng KTNN; kiểm toán nghĩa vụ nộp NSNN.

Nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của KTNN
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, qua hơn 8 năm thực hiện, Luật KTNN đã đạt được những kết quả tích cực trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán của KTNN theo hướng độc lập; định hướng được mô hình, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý và nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ hiện tại và giai đoạn sắp tới; đã thành lập các đơn vị kiểm soát chất lượng kiểm toán, giúp Tổng KTNN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Việc ban hành Hiến pháp năm 2013 cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện Luật KTNN để phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thông lệ quốc tế tốt, góp phần khắc phục tồn tại trong hoạt động của KTNN.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất về sự cần thiết, quan điểm và nguyên tắc sửa đổi dự thảo Luật, song đề nghị dự án Luật cần thể hiện rõ hơn một số nguyên tắc bảo đảm nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của KTNN theo tinh thần Hiến pháp năm 2013: Quy định rõ địa vị pháp lý của KTNN, giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị của các đơn vị được kiểm toán; Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong việc tham gia vào quá trình quản lý ngân sách nhà nước; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN...

Một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát để có quy định bảo đảm tính chủ động cho Tổng KTNN như: xây dựng và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định về Chiến lược phát triển KTNN trong từng giai đoạn; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm và các hình thức kỷ luật đối với các chức vụ lãnh đạo và các chức danh thuộc các ngạch kiểm toán viên theo quy định của Luật cán bộ, công chức; quyền chủ động, độc lập trong quyết định kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán… Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với các Luật có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa hơn các quy định để đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi trong thực thi Luật KTNN. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã tham gia chi tiết về các nội dung theo từng chương, điều của Dự thảo Luật.

Theo chương trình, sáng 29.10.2014, các đại biểu Quốc hội sẽ làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật KTNN (sửa đổi)./.
 
Nguồn : ST

Tin tức liên quan