Google có thời gian 4 tháng để thay đổi các chính sách bảo mật của mình sao cho phù hợp với yêu cầu từ cơ quan giám sát dữ liệu người dùng của Liên minh châu Âu, bằng không hãng sẽ phải đối mặt với hình thức ở cấp quốc gia, theo tin tức của Reuters ngày 16/10.

Cụ thể, Ủy ban Dữ liệu quốc gia Pháp (Commission Nationale de l'Informatique - CNIL) trên danh nghĩa của nhà chức tránh trong lĩnh vực quản lí thông tin của 27 quốc gia EU ngày 16/10 cho biết, họ đã "phát hiện các lỗ hổng pháp lý" đối với một nỗ lực mới trong việc tiếp cận thông tin người dùng mà Google đã triển khai từ hồi tháng 3/2012.

 

Ảnh

 

Một trong số những lo ngại từ phía CNIL là cách thức mà hãng tìm kiếm Mỹ xâu chuỗi các dữ liệu vô danh từ lịch sử duyệt web của người dùng thông qua các dịch vụ của họ, từ đó cung cấp những nội dung quảng cáo đúng mục tiêu hơn, theo Reuters.

Chủ tịch CNIL Isabelle Falque-Pierrotin cho biết, các nhà làm luật đã sẵn sàng "nói chuyện với Google" nhưng cũng không quên nhắn nhủ rằng nếu Google không hoàn thành những yêu cầu từ phía EU trong khoảng thời gian quy định thì chắc chắn họ (tức EU) sẽ bước vào giai đoạn xử lí theo luật định.

Về phần mình, ông Peter Fleischer - chuyên gia tư vấn về chính sách bảo mật toàn cầu của Google - cho biết, hãng này sẽ xem xét kết quả của cuộc điều tra nhưng vẫn khẳng khái tin rằng những chính sách bảo mật mà Google đang áp dụng đều tuân thủ luật lệ tại EU.

Cũng theo Reuters, Google có thể chọn giải pháp đàm phán với các nhà làm luật tại EU và thay đổi vài yếu tố trong chính sách bảo mật đang áp dụng; hoặc thách thức nhà chức trách châu Âu áp đặt các thay đổi này từ tòa án.

Hồi năm 2010, khi Google bắt đầu triển khai loạt xe hơi Street View để thu thập "bất hợp pháp" thông tin giao thông trên các mạng Wi-Fi công cộng, hãng tìm kiếm hàng đầu thế giới cũng đã đối mặt với hàng loạt vụ kiện liên quan đến việc xâm phạm quyền riêng tư cá nhân tại Bỉ, Pháp và Hà Lan.

Khi đó, Google đã phải nộp phạt 100.000 euro (khoảng 129.000 USD) cho cơ quan giám sát dữ liệu người dùng Pháp, trong khi đó nhà chức trách Hà Lan đe dọa khoản phạt lên đến 1 tỉ euro nếu Google không thay đổi các chính sách bảo mật.

Chính sách bảo mật mới của Google được "hợp nhất" từ 60 chính sách bảo mật độc lập, qua đó cho phép hãng tìm kiếm này có quyền tổng hợp thông tin cá nhân người dùng xuyên suốt mọi dịch vụ của họ, trong đó có các dịch vụ rất thông dụng như YouTube, Gmail và mạng xã hội Google+. Trong khi đó, người dùng không thể kiểm soát các hành vi thu thập dữ liệu của Google.

Theo TNO

Tin tức liên quan