Nếu ngân sách khó khăn thì cần cắt giảm chi thường xuyên và một số khoản chi không cần thiết khác, thay vì cắt giảm chi cho tăng lương tối thiểu trong năm 2013.

Quan điểm trên được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tại buổi thảo luận tổ sáng 24/10 về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách năm 2012 - 2013.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), vẫn biết vấn đề thu ngân sách trong năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn khi mà 9 tháng chỉ thu được 67%, thấp hơn các năm trước. Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ, có khả năng thu ngân sách cả năm vẫn đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cùng với đó, Chính phủ cũng nói rõ quan điểm chi ngân sách trong thời gian tới là "tập trung cho yếu tố con người, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực".

Thế nhưng, theo đại biểu Quang, ngân sách trong năm tới lại không có khoản chi cho cải cách tiền lương, điều này cho thấy quan điểm và cách thức triển khai thực hiện chưa ăn khớp.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho hay, thực tế hiện nay cuộc sống của một bộ phận rất lớn người dân, trong đó chủ yếu là công nhân, nhân viên, người lao động đang ngày càng chật vật… Việc trì hoãn lộ trình tăng lương làm cho họ thêm khó khăn.

Theo đại biểu Khánh, thực tế số ngân sách dùng chi trả cho điều chỉnh tiền lương trong năm 2013 cũng chỉ khoảng 60 nghìn tỷ đồng, theo tính toán của Chính phủ. Với số tiền trên, nếu tập trung rà soát lại tại các tập đoàn, tổng công ty… làm ăn kém hiệu quả, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia trùng lắp, lãng phí… thì hoàn toàn có thể đáp ứng được ngân sách cho tiền lương.

“Tôi cho rằng, dù khó khăn thế nào thì Chính phủ vẫn phải tăng lương, dù không được tất cả thì cũng một phần, để người lao động còn phấn khởi, có động lực làm việc hiệu quả hơn”, đại biểu Khánh nói.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Chính phủ cần phải làm rõ vấn đề thu chi ngân sách trong năm 2013, bởi nó có liên quan đến việc tăng lương hay không tăng lương.

“Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói với tôi rằng, có dự án vừa đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ ngân sách, lúc sau lại thấy nằm trong kế hoạch phân bổ khác tiếp, trùng lắp nhiều quá”, ông Quyền nói.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, thay vì đề xuất tạm dừng tăng lương tối thiểu do khó khăn về ngân sách, Chính phủ nên có một đánh giá sâu sắc hơn tác động của tình hình đối với người lao động, từ đó tính toán cân đối để tăng lương vào thời điểm thích hợp.

Hơn nữa, theo bà, việc tăng lương tối thiểu hàng năm cũng chỉ đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động phù hợp với trượt giá, chứ chưa thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Mục tiêu của cải cách tiền lương là phải tiến tới đảm bảo cho người lao động sống được bằng tiền lương và tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được các nhu cầu sống tối thiểu của họ.

"Chính phủ không nên đột ngột đưa ra đề xuất tạm dừng tăng lương, vì như thế sẽ làm nản lỏng người dân, nhất là những người đã nghỉ hưu, đồng lương eo hẹp, cuộc sống đang chật vật và họ đang mong đợi từng ngày để được tăng lương", bà Mai nói.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch, Chính phủ vẫn nên thực hiện đúng lộ trình tăng lương.

“Nếu ngân sách khó khăn thì có thể cắt giảm chi thường xuyên và các khoản khác, ít nhất 10% so với thực chi năm 2012 vì tôi thấy hiện nay vẫn còn khá nhiều khoản chi vô tội vạ. Nếu cắt được như vậy, tôi tin là ngân sách vẫn đảm bảo đủ chi cho tăng lương trong năm 2013”, đại biểu Lịch nhìn nhận.

Báo cáo trước Quốc hội ngày 22/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, do khó khăn trong công tác thu ngân sách năm 2012 và dự kiến 2013, trong dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013, Chính phủ đã thống nhất không bố trí nguồn chi cho cải cách tiền lương theo lộ trình trong năm tới.

Phương án này cũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình trong cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. 


Theo vneconomy

Tin tức liên quan