Đó là tiêu đề cuộc Hội thảo do Bộ Tài chính phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) phối hợp tổ chức sáng ngày 8/8/2012 tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có ông Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và bà Bérenice Muraille - đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; đại diện một số đơn vị chức năng thuộc Bộ; đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: trong hệ thống thuế của Việt Nam, thuế GTGT và thuế TNDN là hai sắc thuế hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn không chỉ tới hoạt động đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp, tiêu dùng của toàn xã hội mà còn dưới giác độ huy động nguồn thu cho NSNN. Việc cải cách chính sách thuế nói chung và thuế GTGT, thuế TNDN nói riêng là vấn đề phức tạp, có tác động đan xen đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, mục đích xuyên suốt trong quá trình cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT đã được xác định nhằm góp phần hình thành một hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; duy trì động viên ngân sách ở mức hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước.

Thứ trưởng cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng đem đến không ít những thách thức cho Việt Nam trong việc đổi mới hệ thống chính sách thuế của mình thời gian tới, nhất là trước áp lực gia tăng về mức độ cạnh tranh trên thị trường quốc tế về nguồn vốn, lao động và công nghệ. Hơn nữa, bối cảnh kinh tế quốc tế tiếp tục có những biến đổi khó lường, khó dự đoán và đang đặt ra một số khó khăn nhất định cho quá trình cải cách chính sách thuế của Việt Nam. Cùng với đó, trong thực tế việc cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT các nước gần đây cho thấy vấn đề đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách được nhiều nước đặc biệt chú ý, nhất là trong bối cảnh có sự gia tăng về dư nợ công của nhiều nước. Hơn nữa, cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT cũng đồng thời phải gắn với các biện pháp cải cách về hành chính thuế, từng bước giảm thiểu chi phí tuân thủ về thực hiện nghĩa vụ thuế và DN. Vì vậy, với kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy sự lựa chọn bước đi và lộ trình cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT liên quan đến sự đánh đổi giữa nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó một mặt phải đảm bảo sự ổn định nguồn thu cho ngân sách để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác phải hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng phát triển.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đã nêu những đặc điểm chính của thuế GTGT và thuế TNDN hiện hành tại Việt Nam, những vấn đề tồn tại cũng như những định hướng, đề xuất sửa đổi phù hợp, đáp ứng cam kết cũng như thông lệ quốc tế. Ông nhấn mạnh, Chiến lược cải cách thuế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tập trung xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí nhằm thúc đẩy sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ trong nước, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Chia sẻ về xu hướng trên thế giới, Chuyên gia thuế quốc tế Ved P.Gandhi cho biết trong những năm gần đây, các nước trên thế giới đều giảm thuế suất nhằm khuyến khích đầu tư, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm cạnh tranh thuế trong điều kiện toàn cầu hóa. Cụ thể, thuế suất bình quân của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giảm từ 33% năm 2000 xuống còn 25% năm 2011 (riêng lĩnh vực phi tài chính, thuế suất chỉ 21%); tại các nước châu Âu, thuế suất bình quân giảm từ 40% còn 23% trong giai đoạn 1995-2012. Gần đây, nhiều nước ASEAN đã giảm thuế suất thuế TNDN và có kế hoạch giảm hơn nữa, cụ thể, mức thuế đang áp dụng tại Singapore là 17%, Malaysia là 25%, Đài Loan là 23%,…

Bên cạnh việc giảm thuế suất, các nước đều đang cố gắng duy trì ưu đãi thuế để khuyến khích kinh doanh và đầu tư; giảm “đánh thuế trùng” đối với cổ tức; hợp lý hóa và bãi bỏ “hỗ trợ thuế” không còn tác dụng; hạn chế đánh thuế các nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường kiểm soát trốn thuế của DN.

Về thuế GTGT, Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên điều chỉnh hợp lý danh sách nhóm hàng được miễn thuế; bỏ mức thuế suất 5% và phân loại nhóm hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn cũng như được miễn thuế hoặc theo mức thuế tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra ngưỡng giới hạn doanh thu được miễn thuế cho các DN nhỏ, bỏ ngưỡng giới hạn hoàn thuế đối với các nhà XK; tập trung hóa việc nộp thuế GTGT.

Ông Tom McCleliand - Chủ tịch Ủy ban thuế, Phòng Thương mại và công nghiệp Châu Âu (Eurocham) khẳng định, thay đổi tích cực lớn nhất của luật thuế TNDN Việt Nam 2009 là giảm thuế suất từ 28% xuống 25%. Điều này giúp cho Việt Nam cạnh tranh hơn nhưng thực tế các nước khác trong khu vực cũng đã giảm thuế suất thuế TNDN xuống thấp hơn. Ông Tom McCleliand ủng hộ việc Việt Nam tiếp tục giảm thuế suất thuế TNDN và áp dụng trong thời gian sớm nhất vì thuế suất thuế TNDN thường được nhìn nhận là chỉ số quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, cuộc hội thảo này là cơ hội để Bộ Tài chính tiếp thu những thông tin, các phương pháp luận hữu ích trong việc xây dựng và đưa ra lộ trình cải cách chính sách thuế TNDN và thuế GTGT của Việt Nam thời gian tới. Bà cũng hy vọng và tin tưởng rằng qua các bài trình bày của các chuyên gia và ý kiến thảo luận của các quý vị đại biểu sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm, ý kiến đóng góp thiết thực về những nội dung đang được quan tâm nhằm tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của Việt Nam, góp phần giúp ngành Tài chính thực hiện thắng lợi Chiến lược Tài chính đến năm 2020 cũng như Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020./.



Theo tongcucthue

Tin tức liên quan