Quy định mới tại Điều 8 về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu bị lưu giữ 

Cụ thể đối với hàng hóa bị lưu giữ trong trường hợp người nhận hàng không đến nhận, từ chối nhận hàng được người vận chuyển mang bán đấu giá phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa theo quy định có liên quan của pháp luật.

Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định, người vận chuyển phải nộp kèm theo các giấy tờ sau cho cơ quan hải quan:

- Văn bản đề nghị làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hóa đối với hàng hóa bị lưu giữ;

- Bằng chứng liên quan đến việc thông báo theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này (Bản chính).

Đối với hàng hóa bị lưu giữ trong trường hợp người người nhận hàng trì hoãn việc nhận hàng và đã quá thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, sau thời hạn thông báo lưu giữ, người vận chuyển phải làm thủ tục nhập khẩu

Đồng thời, thông báo từ bỏ hoặc tái xuất hàng hóa theo quy định của pháp luật về hải quan, nhưng không được quá 60 ngày kể từ ngày tàu đến cảng trả hàng.

Trong trường hợp có nhiều người cùng xuất trình vận đơn, vận đơn suốt đường biển, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác có giá trị để nhận cùng một lô hàng, thủ tục hải quan được thực hiện tương tự như đối với trường hợp người người nhận hàng trì hoãn việc nhận hàng và đã quá thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển nêu trên.

Nghị định cũng quy định cụ thể việc xử lý hàng hóa bị lưu giữ trong trường hợp đặc biệt tại Điều 11 của Nghị định, theo đó, hàng hóa lưu giữ thuộc loại hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm tạm nhập- tái xuất, cấm tạm xuất- tái nhập hoặc hàng hóa bị cấm kinh doanh, cấm lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chủ trì xử lý đối với hàng hóa bị lưu giữ thuộc loại hàng hóa cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm tạm nhập- tái xuất, cấm tạm xuất- tái nhập phải lấy ý kiến phối hợp của các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan.

Đối với hàng hóa bị lưu giữ là loại hàng mau hỏng hoặc xét thấy việc lưu giữ hàng hóa là quá tốn kém so với giá trị thực tế của hàng hóa thì người vận chuyển có quyền quyết định thời hạn bán đấu giá đối với số hàng hóa bị lưu giữ trước 60 ngày kể từ ngày tàu biển đến cảng trả hàng và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong quá trình thực hiện việc lưu giữ hàng hóa, nếu phát hiện hàng hóa bị lưu giữ có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, an toàn và sức khỏe của con người thì người vận chuyển hoặc người lưu giữ có trách nhiệm thông báo cho người gửi hàng, người nhận hàng.

Đồng thời thông báo ngay cho cơ quan hải quan liên quan biết để tổ chức xử lý, tiêu hủy theo quy định.

Điều 18 quy định về trách nhiệm của cơ quan hải quan nêu rõ: Cơ quan hải quan tại khu vực có hàng bị lưu giữ có trách nhiệm hướng dẫn cho các bên liên quan khai báo, giải quyết các thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị lưu giữ tại cảng biển Việt Nam và và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017, bãi bỏ Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16/5/2006 của Chính phủ quy định về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

 

Nguồn Internet

Tin tức liên quan