Ở Việt Nam, thị trường ERP đang dần trở nên khá sôi động, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng ERP nhằm thay đổi phương thức quản lý hoạt động SXKD của mình, song không phải doanh nghiệp nào cũng có được sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực này.
ERP không chỉ là một giải pháp tin học hoá mà còn là một phương thức quản lý
Trong đó doanh nghiệp muốn thành công thì trước hết phải thay đổi những lối mòn trong quan điểm quản lý của mình, thậm chí là chấp nhận rủi ro.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi ứng dụng ERP ở Việt Nam là sự khác biệt giữa phương pháp hạch toán kế toán trong hệ thống ERP và các phương pháp tổ chức hạch toán kế toán truyền thống của các doanh nghiệp. Đây là vấn đề chung đối với tất cả các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các sản phẩm ERP của nước ngoài như Oracle, SAP, Solomon, …
Để vượt qua được khó khăn đó trước hết các nhà tư vấn cũng như nhà quản lý doanh nghiệp phải có được nhận thức đúng đắn về hệ thống ERP, từ đó thay đổi phương thức quản lý của mình cho phù hợp.
Nhận thức đúng về các vấn đề khi áp dụng hệ thống ERP là một yêu cầu tiên quyết để triển khai thành công
Bởi những khác biệt giữa phương pháp hạch toán của các sản phẩm ERP nước ngoài và phương pháp hạch toán ở Việt Nam, một số doanh nghiệp sẽ cảm thấy bế tắc trước việc lựa chọn giải pháp mà nhà tư vấn đưa ra. Chính vì vậy khi quyết định ứng dụng sản phẩm, các doanh nghiệp phải hiểu được các vấn đề tất yếu của hệ thống ERP và họ nên chấp nhận chúng và cùng nhà tư vấn triển khai tìm ra giải pháp hợp lý thay vì đặt ra những yêu cầu thay đổi làm phá vỡ cấu trúc của hệ thống.
Sự xuất hiện tài khoản trung gian trong các nghiệp vụ kế toán
Trong ERP, hệ thống hạch toán kế toán không phải là điểm bắt đầu mà là kết quả của quá trình xử lý thông tin, vì thế mỗi một thao tác nghiệp vụ trong quy trình SXKD đều được ghi nhận bằng một bút toán hạch toán trên hệ thống và cùng với việc quy trình nghiệp vụ được chia thành nhiều công đoạn khác nhau, các nghiệp vụ kế toán cũng được chia thành nhiều cặp bút toán khác nhau. Ví dụ trong quy trình mua hàng hoá, bạn sẽ có bút toán nhận hàng tương ứng với việc nhận hàng hoá vào kho, bút toán ghi nhận công nợ phải trả trả tương ứng với việc chấp nhận chứng từ mua hàng, bút toán thanh toán tương ứng với việc chấp nhận thanh toán,…
Để quản lý các cặp bút toán liên quan trong cùng một nghiệp vụ kinh tế, hệ thống ERP định nghĩa các tài khoản liên kết trong từng cặp bút toán và các quy tắc hạch toán ngầm định để đảm bảo các cặp bút toán này thống nhất với nhau.
Mặc dù đây là một điểm khác biệt so với kế toán Việt Nam, nhưng trên góc độ kinh tế thì sự vận động của tài sản và nguồn vốn trong các nghiệp vụ trên vẫn không có gì thay đổi. Để đảm bảo cho bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp không phát sinh thêm nhiều so với cách hạch toán cũ, doanh nghiệp Việt nam có thể sử dụng các tài khoản không thuộc hệ thống tài khoản chính thức của mình và xem đó là các tài khoản trung gian. Như vậy việc phát sinh giao dịch ở các tài khoản trung gian không làm ảnh hưởng đến các báo cáo tài chính của doanh nghiệp và các doanh nghiệp có thể dựa vào số dư của các tài khoản này để kiểm tra quy trình tác nghiệp đã được thực hiện đầy đủ chưa.
Trừ khi bạn chỉ sử dụng phân hệ kế toán tổng hợp (GL), bạn không thể quản lý số liệu kế toán theo kiểu đối ứng tài khoản truyền thống.
Ngoài phân hệ kế toán (GL) thực hiện các bút toán một cách trực tiếp như các phần mềm kế toán thông thường, tất cả các phân hệ khác của ERP đều tiến hành hạch toán tự động và quy tắc hạch toán 1:n hay n:1 không được đặt ra, vì thế không thể thực hiện việc tách số dư của các tài khoản theo từng tài khoản đối ứng.
Hơn nữa, như đã phân tích ở phần trên, việc quản lý các giao dịch theo kiểu đối ứng tài khoản là một việc làm không có ý nghĩa, vì hầu hết các tài khoản đều được hạch toán đối ứng với các tài khoản mà kế toán Việt nam xem là trung gian.
Đây là một vấn đề khá quan trọng đối với hầu hết những người làm kế toán ở Việt nam vì chúng ta vẫn quen kiểm soát số liệu theo kiểu đối ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý một điểm khác biệt rất lớn giữa ERP và các phần mềm kế toán là bút toán được sinh ra một cách tự động và được kiểm soát nhiều tầng thông qua quá trình phê duyệt vì thế những sai sót về định khoản là hầu như không xảy ra.
Trong ba phương pháp chữa sổ kế toán ở Việt Nam, chỉ có phương pháp ghi bút toán đảo là được thực hiện trên ERP
Với ý nghĩa là một hệ thống phản ánh trung thực nhất các hoạt động kinh tế phát sinh trong một tổ chức kinh tế, hệ thống ERP không cho phép người dùng xoá bất kỳ một bút toán nào đã hạch toán vào hệ thống. Tất cả những gì mà người sử dụng có thể làm là thực hiện bút toán đảo. Chính vì đặc điểm này mà người sử dụng hệ thống có thể cảm thấy ái ngại vì mọi sai sót của họ đều bị kiểm soát và đều làm ảnh hưởng đến số liệu báo cáo của họ. Tuy nhiên cũng chính nhờ đặc điểm này mà số liệu kế toán do các hệ thống ERP cung cấp luôn có độ tin cậy cao đối với các cổ đông cũng như các đối tác bên ngoài doanh nghiệp.
Việc quản lý chỉ đạt được tốt nhất khi doanh nghiệp sử dụng các quy trình tác nghiệp hoàn chỉnh của hệ thống.
Vì hệ thống được thiết kế để quản lý theo một quy trình, nếu bạn cắt đứt một trong các công đoạn của một quy trình nào đó, chức năng kiểm soát của hệ thống sẽ không còn ý nghĩa. Kéo theo đó là việc kiểm soát số liệu kế toán cũng sẽ khó khăn.
Tuy nhiên một quy trình hoàn chỉnh bao giờ cũng kéo theo thời gian và nhân lực để thực hiện. Vì thế trong một số trường hợp cần phải cắt rời một số quy trình, khi đó để giữ được kiểm soát, cần phải tạo ra các đối tượng liên kết cũng như đặt ra các quy tắc thực hiện bên ngoài buộc người dùng phải tuân thủ theo
Các quy trình chính của ERP:
Tổ chức kế toán trong ERP mang lại cho doanh nghiệp những công cụ quản lý và phân tích tài chính hữu hiệu cùng với khả năng mở rộng và phát triển gần như vô hạn.
Cấu trúc hệ thống tài khoản linh hoạt giúp nhà quản lý dễ dàng có được thông tin quản lý tài chính nhiều chiều khác nhau.
Ngoài hệ thống tài khoản mà bộ tài chính Việt Nam ban hành, bạn có thể xây dựng một hệ thống tài khoản với nhiều chiều thông tin. Có thể nói tính linh hoạt của hệ thống tài khoản có thể đáp ứng được mọi yêu cầu phân tích và quản lý tài chính của một doanh nghiệp, dù doanh nghiệp đó ở quy mô nào. Một dẫn chứng đơn giản: bài toán quản lý doanh thu và chi phí theo từng phòng ban được thực hiện một cách rất đơn giản bằng cách thêm thông tin về phòng ban vào hệ thống tài khoản, cuối kỳ bạn chỉ cần sử dụng các báo cáo về số dư tài khoản để xem tất cả các số liệu kế toán phát sinh ở một phòng ban bất kỳ.
Hợp nhất báo cáo từ các đơn vị thành viên không còn là vấn đề đối với bất cứ một doanh nghiệp nào
Cơ chế dữ liệu tập trung của hầu hết các hệ thống ERP giúp cho việc hợp nhất số liệu của các doanh nghiệp có nhiều chi nhánh trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn bao giờ hết. Việc duy nhất mà họ phải làm là truy vấn dữ liệu đã có sẵn bằng các công cụ mà hệ thống cung cấp.
Đáp ứng mọi khả năng mở rộng quy mô của doanh nghiệp cả về chiều dọc lẫn chiều ngang
Nhờ tính chất linh hoạt trong cấu trúc quản lý, việc thêm mới một đơn vị thành viên cũng như một cấp quản lý trong hệ thống ERP được thực hiện rất đơn giản, dễ dàng và không gây khó khăn trong việc tổng hợp cũng như đồng nhất số liệu.
Số liệu kế toán là bức tranh trung thực nhất về hoạt động của doanh nghiệp
Chính vì đặc điểm hạch toán kế toán đồng thời với thao tác nghiệp vụ nên hệ thống số liệu kế toán luôn phản ánh kịp thời và trung thực các hoạt động sản xuất kinh doanh ở từng khâu trên hệ thống.
Trên hệ thống ERP, kế toán trở thành những người kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua các số liệu kế toán mà hệ thống phản ánh.
Đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp triển khai thành công hệ thống ERP đều khẳng định rằng lựa chọn ERP là một quyết định mang đến cho họ hàng chục phần trăm lợi nhuận từ việc tối ưu hoá phương thức quản lý HĐSXKD và rất nhiều những giá trị vô hình khác. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho một dự án ERP luôn chiếm một phần không nhỏ so với nguồn lực tài chính của một doanh nghiệp. Chính vì thế lựa chọn nhà tư vấn nào và giải pháp nào luôn là một vấn đề khiến các nhà quản lý phải đau đầu.