Phân bổ chi phí mua hàng vào giá gốc hàng tồn kho

Các chi phí mua hàng, chi phí chế biến là các khoản chi phí làm tăng giá trị hàng tồn kho của hàng hóa trong quá trình nhập kho. Vậy trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh nhiều mặt hàng với một giá trị của chi phí vận chuyển, chi phí mua hàng thì kế toán sẽ hạch toán như thế nào?

Phân bổ chi phí mua hàng vào giá gốc hàng tồn kho

Theo chuẩn mực 02 về hàng tồn kho, giá gốc hàng tồn kho được xác định như sau

04. Hàng tồn kho được tính theo giá gốc. Trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc thì phải tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được.

Giá gốc hàng tồn kho

05. Giá gốc hàng tồn kho bao gồm: Chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại.

Chi phí mua

06. Chi phí mua của hàng tồn kho bao gồm giá mua, các loại thuế không được hoàn lại, chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản trong quá trình mua hàng và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc mua hàng tồn kho. Các khoản chiết khấu thương mại và giảm giá hàng mua do hàng mua không đúng quy cách, phẩm chất được trừ (-) khỏi chi phí mua.”

Các khoản chi phí khác như chi phí vận chuyển, bốc xếp bảo quản trong quá trình mua sẽ làm tăng giá của hàng tồn kho và được kế toán phân bổ nếu có nhiều mặt hàng.

1.Hạch toán chi phí mua hàng (vận chuyển, bốc dỡ…)

Khi doanh nghiệp mua một hàng, phát sinh chi phí mua hàng, Kế toán tiến hành hạch toán khoản chi phí này vào giá trị hàng mua khi hàng về nhập kho:

Nợ TK 156, 152, 155, 211

Nợ TK 133

Có TK 111,112,131

2.Phân bổ chi phí mua hàng

Khi thực hiện phân bổ, kế toán có hai cách phân bổ như sau: phân bổ chi phí mua hàng theo tiêu thức trị giá mua. hoặc phân bổ chi phí mua hàng theo tiêu thức số lượng hàng mua.

Cách 1: Phân bổ chi phí mua hàng theo tiêu thức trị giá mua.

Chi phí phân bổ = Tổng chi phí  X (Giá trị từng mặt hàng / Tổng giá trị hàng mua)

Cụ thể như sau: Công ty Công Minh mua một lô hàng gồm hai loại hàng A và B với giá trị lần lượt là 10.000 triệu đồng và 5.000 triệu đồng. Chi phí mua hàng, vận chuyển hàng về kho phải là 300 triệu đồng (chưa bao gồm VAT). Vậy khi thực hiện nhập kho hàng hóa, đồng thời tính giá hàng tồn kho cho 2 mặt hàng A và B, kế toán thực hiện như sau

Phân bổ chi phí cho mặt hàng A = 300 x 10.000 / (10.000 + 5.000) = 200 trd

Phân bổ chi phí cho mặt hàng B = 300 x 5.000 / (10.000+5.000) = 100 trd

Giá của hàng hóa A =  10.000 + 200 = 10.200 trd

Giá của hàng hóa B =  5.000 + 100 = 5.100 trd

Hạch toán bút toán phân bổ chi phí

Nợ TK 156 (A): 200

Nợ TK 156 (B): 100

Nợ TK 1331 :     30

Có TK 331:       330

Cách 2: Phân bổ chi phí mua hàng theo tiêu thức số lượng hàng mua 

Chi phí phân bổ = Tổng chi phí  X (Số lượng từng mặt hàng / Tổng số lượng hàng mua)

Cụ thể như sau: Công ty Công Minh mua một lô hàng gồm hai loại hàng A và B với giá trị lần lượt là 10.000 triệu đồng – số lượng 1.000 và 5.000 triệu đồng – số lượng 500. Chi phí mua hàng, vận chuyển hàng về kho phải là 300 triệu đồng (chưa bao gồm VAT). Vậy khi thực hiện nhập kho hàng hóa, đồng thời tính giá hàng tồn kho cho 2 mặt hàng A và B, kế toán thực hiện như sau

Phân bổ chi phí cho mặt hàng A = 300 x 1000 / (1.000 + 500) = 200 trd

Phân bổ chi phí cho mặt hàng B = 300 x 500 / (1.000+500) = 100 trd

Giá của hàng hóa A =  10.000 + 200 = 10.200 trd

 

Giá của hàng hóa B =  5.000 + 100 = 5.100 trd