Tại cuộc họp báo do Bộ Công thương tổ chức chiều qua (10/9), trước thông tin về giá xăng sẽ tiếp tục tăng trong một hai ngày tới đây, ông Võ Văn Quyền cho biết, về nguyên tắc, các đăng ký giá của doanh nghiệp trước thời điểm doanh nghiệp công bố hoặc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương công bố, theo quy định của Chính phủ là thuộc tài liệu mật, không được công bố.

 

Theo ông Quyền, thời gian gần đây, báo chí theo dõi rất sát giá thế giới và tính rất chuẩn, gần như đúng như cách tính của liên bộ Tài chính – Công thương. Về cách tính giá, liên Bộ Tài chính và Công thương vẫn kiên định theo giá thị trường có sự quản lý của nhà nước đảm bảo đúng thực trạng thị trường, tránh tình trạng bóp méo giá. Còn về vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ khác của doanh nghiệp thì thực hiện theo các đề án, các giải pháp tài chính kinh tế, kỹ thuật kèm theo.

 

Theo đó, xăng dầu tiếp tục điều hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, bám sát giá thế giới. Trong thời gian qua giá xăng dầu trong nước luôn bám sát giá thị trường thế giới. Vì thế giá xăng dầu còn phải phụ thuộc vào giá thế giới, doanh nghiệp không thể muốn là tăng được.

 

Tuy nhiên, theo ông Quyền, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh giá, thời gian tới nhà nước sẽ cân nhắc giảm thuế đối với mặt hàng này để góp phần kìm hãm giá xăng dầu, giảm bớt tác động lên đời sống, đồng thời chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

 

Liên quan đến việc găm hàng, chờ tăng giá xăng của không ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu thời gian qua, ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8 có 3 đợt tăng giá xăng dầu, trong đó 2 đợt gần đây nhất, cả nước có 220 cửa hàng đã cắt giảm thời gian bán hàng và ngừng bán hàng.

 

Hiện nay, theo phân loại của Bộ Công Thương, có nhiều lý do khiến cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng, cụ thể là do nghỉ bán hàng từ trước, nghỉ bán hàng do các cơ quan nhà nước có quyền đình chỉ kinh doanh, nghỉ bán hàng do mất điện, hỏng thiết bị. Ngoài ra còn một số lý do khác, trong đó có lý do nghỉ bán hàng do hết xăng dầu.

 

Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường, trong 2 đợt tăng giá xăng gần đây nhất, có 136 cửa hàng ngừng bán hàng. Qua kiểm tra, các cửa hàng cho biết lý do họ ngưng bán hàng là vì đã hết xăng dầu.

 

Ông Lam cho rằng, trước tình hình này, Cục Quản lý thị trường đã có chỉ đạo làm rõ nguyên nhân hết xăng dầu. “Hiện nay, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu 33 Chi cục quản lý thị trường trong cả nước kiểm tra ngay các cửa hàng xăng dầu trong diện nghi vấn. Quá trình kiểm tra sẽ tập trung căn cứ vào hóa đơn chứng từ xuất nhập xăng dầu; mức chiết khẩu của tổng đại lý; kiểm tra lý do ngừng bán hàng…”, ông Lam nói.

 

Bên cạnh đó, đại diện Cục Quản lý Thị trường cho biết đã thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước và Công an), đi kiểm tra giám sát. Dự kiến kết quả kiểm tra ban đầu của các Chi cục sẽ có trong khoảng thời gian từ 15 – 20/9 còn của đoàn liên ngành sẽ muộn hơn một chút.


Cũng trong ngày hôm qua (10/9), một số doanh nghiệp xăng dầu đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính xin tăng giá xăng với lý do bình quân giá cơ sở 30 ngày qua vẫn cao hơn mức bán lẻ hiện hành. Doanh nghiệp cho biết đang lỗ 200-600 đồng mỗi lít xăng dầu, nếu trừ 300 đồng định mức.

Tin tức liên quan