Đến lúc này nhiều doanh nghiệp đã sức cùng, lực kiệt. Nhưng ngân hàng còn khó khăn hơn khi rơi vào cảnh "thù trong, giặc ngoài".

 Nhiều doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục bị ngân hàng "đóng cửa" khi có nợ quá hạn. Về lý, ngân hàng không sai, nhưng doanh nghiệp muốn ngân hàng vì cái "tình" đã có sau nhiều năm quan hệ đôi bên cùng có lợi để trong lúc hoạn nạn này, ngân hàng cơ cấu lại nợ, cho doanh nghiệp thêm cơ hội "sống sót". Thế nhưng, nếu ngân hàng cứu doanh nghiệp thì ai cứu ngân hàng?

Chùn chân, mỏi gối

Những tháng đầu năm, không ít ngân hàng đã chọn cách "nuôi nợ" mong lấy lại cả chì lẫn chài. Nhưng đến giờ, sau nhiều nỗ lực cả từ phía chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng... sức khỏe của nền kinh tế vẫn không hồi phục mà còn có chiều hướng xấu đi. Còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính, nhưng chưa ai thấy ánh sáng cuối đường hầm. Lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn cho biết: tăng trưởng tín dụng để tăng lợi nhuận không còn là mục tiêu hàng đầu của ngân hàng. Thực tế, vẫn tiếp tục có những chương trình tín dụng ưu đãi được đưa ra, lãi suất hấp dẫn, thủ tục nhanh gọn, lại kèm quà khuyến mãi...

Không chỉ là gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp với lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất (chỉ 8,95%/năm); lãi suất cho vay trung dài hạn khoảng 15 - đến 18%/năm. Mà, chưa khi nào các sản phẩm cho vay tiêu dùng lại "đua nhau khoe sắc" như hiện nay: cho vay mua nhà, mua ôtô... lãi suất cho vay cũng khá thấp (9,9% một năm).

Không ít ngân hàng còn thiết kế những gói sản phẩm chuyên biệt cho nhóm đối tượng khách hàng nhất định như: cán bộ công nhân viên, giáo viên, bác sĩ... và các sản phẩm này đều có điểm chung được quảng cáo là "vay dễ dàng - nhận ngàn ưu đãi". Nhưng tại sao tăng trưởng tín dụng vẫn thấp? Thực tế, sản phẩm tín dụng thì có nhiều, nhưng số khách hàng đủ điều kiện tiếp cận được không nhiều nên những ưu đãi tín dụng này mang tính quảng cáo nhiều hơn là thực tiễn.

 

Các NHTM thừa nhận: một mặt họ đang phải săn lùng khách hàng tốt, mặt khác là truy lùng khách hàng có nợ xấu! Cuộc "săn đuổi" này diễn ra từ đầu năm đến nay, khiến không ít cán bộ ngân hàng đã chùn chân, mỏi gối. Một cán bộ tín dụng của Agribank cho biết: may mắn không dính vào món nợ quá hạn nào, nhưng em chơi dài cả tháng nay vì không tìm đâu được khách hàng để "dám" cho vay.

Chữ "tín" nào đáng tin hơn?

Chuyện nhỏ là tuy ngân hàng quảng cáo có nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng ưu đãi, lãi suất thấp, nhưng nếu khách hàng đủ điều kiện được vay thì mức lãi suất đó cũng chỉ áp dụng trong 3 tháng đầu. Nếu khách hàng không đáp ứng đủ yêu cầu của chương trình thì phải vay với lãi suất thông thường. Chưa kể, ngán ngẩm với mớ thủ tục, giấy tờ, không ít khách hàng cá nhân chấp nhận vay bên ngoài. Đã xuất hiện hình thức vay theo nhóm. Trong nhóm người (đồng nghiệp, tổ dân phố, cùng hội phụ nữ, hội hưu trí...) nếu ai có nhu cầu vay tiền (mua sắm đồ đắt tiền; mua, sửa chữa nhà) sẽ được các thành viên trong nhóm hùn tiền cho vay. Kỳ hạn vay có thể từ vài tháng đến dưới 2 năm. Lãi suất vay là lãi suất tiền gửi ngân hàng cộng thêm 1% (nhiều trường hợp không cộng, chỉ bằng đúng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng). Người vay được trưởng nhóm đứng ra bảo lãnh. Đây không phải là tín dụng đen, cũng không phải hụi, họ. Việc vay và trả nợ hoàn toàn dựa vào chữ tín của người vay, sự cảm thông chia sẻ của người cho vay.

Nhưng chuyện lớn là đã có nhiều người bỗng dưng trở thành con nợ lớn của ngân hàng, mất nhà cửa, tài sản lớn vì bị lừa (do có sự tiếp tay của cán bộ tín dụng như trong những vụ cho mượn sổ đỏ thế chấp ngân hàng). Hay như vụ không đến ngân hàng cũng nhận được sổ tiết kiệm ghi tiền tỷ, nhưng khi rút tiền mới biết số tiền đó không có trong tài khoản (sổ tiết kiệm "ma" do MB Bank Chi nhánh Sài Gòn phát hành)... Không chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, số cán bộ ngân hàng bị bắt, khởi tố do vi phạm đạo đức nghề nghiệp ngày một nhiều. Hai chuyện này, nhìn rộng hơn thì thấy ngân hàng đang phải đối phó với cả "thù trong lẫn giặc ngoài"!

Ðến ngưỡng?

Ngân hàng đang vướng vào không ít rắc rối từ vấn đề tài chính: nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm, hoạt động cầm chừng, thậm chí trì trệ. Hay về pháp lý, NHNN đã và sắp ban hành thêm hàng loạt quy định siết lại các hoạt động liên quan đến tài chính - ngân hàng: quy định trần lãi suất, cơ cấu tín dụng, vay, cho vay trên thị trường liên ngân hàng; hoạt động bảo lãnh, ủy thác và nhận ủy thác... Những vụ án đã xét xử và tới đây sẽ còn liên quan đến cán bộ ngân hàng. Về phía doanh nghiệp có thể chia thành các thể trạng: khỏe, bình thường, ốm và yếu. Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng hiện nay của ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Chúng ta chỉ có thể rút ra bài học kinh nghiệm khi mọi việc đã qua. Giờ chưa phải lúc.

Trong bối cảnh kinh tế trì trệ, NHTW nhiều nước đã cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng cách này rõ ràng khó có thể áp dụng vào Việt Nam lúc này, khi bóng ma lạm phát đang đe dọa trở lại. Hơn nữa, hãy so sánh giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng của GDP: Trung bình 6 tháng đầu năm 2012, GDP tăng khoảng 4,3%, trong khi tín dụng âm. 9 tháng năm 2012, ước tính GDP tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, còn tín dụng chỉ tăng 2,35%. Nếu so sánh với giai đoạn (2006 - 2010) thì thấy: trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình 33, 2%/năm thì tăng trưởng GDP trung bình 7%. Như vậy, hiện nay vốn tín dụng đã được sử dụng hiệu quả hơn trước.

Căn bệnh kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của doanh nghiệp chưa thể khỏi ngay. Do đó, vẫn cần "tiếp máu" ở mức nhất định để cứu doanh nghiệp. Song, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể đổ tiền ra như cách làm của Mỹ vì sẽ thu về hậu quả xấu hơn là hiệu quả tốt cho nền kinh tế. Chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn, tạm đóng cửa để sửa sai, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại một cách toàn diện là lựa chọn đáng xem xét cho ngân hàng, doanh nghiệp và cả nền kinh tế lúc này.

(Theo Doanh nhân)

 

Tin tức liên quan