Thông tin kiểm toán trên TTCK: Quan trọng là đạo đức nghề nghiệp của người làm kiểm toán(Ông Trần Quốc Tuấn - Tổng giám đốc Công ty VAE trả lời phỏng vấn )

Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam (VAE) là 1 trong 10 công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam và là 1 trong 12 công ty kiểm toán được chấ p thuận kiểm toán cho các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam hiện nay. Đồng thời, VAE hiện cũng là 1 trong 20 tổ chức thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động đầu tiên tại Việt Nam với số lượng khách hàng thường xuyên đứng hàng thứ 8/10 công ty kiểm toán có lượng khách hàng lớn nhất trong số các công ty kiểm toán đang hoạt động tại Việt Nam. Trong cuộc trao đổi phóng viên  về một số vấn đề liên quan giữa công tác kiểm toán - định giá doanh nghiệp với thị trường chứng khoán (TTCK), khi đề cập đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm kiểm toán, ông Trần Quốc Tuấn - Tổng giám đốc VAE cho biết:

Có thể nói rằng, TTCK là một thị trường đòi hỏi tính minh bạch cao trên các thông tin được công bố. Nếu thông tin không xác thực có thể dẫn tới quyết định đầu tư sai lầm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của các nhà đầu tư, vi phạm nguyên tắc công bằng trên TTCK. Do vậy, công tác kiểm toán và định giá doanh nghiệp sẽ có một vai trò quan trọng. Trong đó thông tin do các kiểm toán viên đưa ra đòi hỏi tính trung thực, hợp lý, khách quan và có độ tin cậy cao không chỉ riêng đối với TTCK mà cả với cơ quan Nhà nước và những người sử dụng kết quả kiểm toán. Qua đó cho thấy yếu tố đạo đức nghề nghiệp của người làm kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp.

Về phía quản lý Nhà nước đối với nghề nghiệp kiểm toán đã được thông qua "Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam", bao gồm 38 chuẩn mực, trong đó có một chuẩn mực dành riêng cho đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam. Để thực hiện được tốt đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của các nhân viên kiểm toán, lãnh đạo công ty chúng tôi thống nhất cao việc đảm bảo tính độc lập cho các kiểm toán viên không bị áp lực từ các cơ quan quản lý, giám đốc, người lãnh đạo trong công ty kiểm toán hoặc các quan hệ gia đình hay cá nhân.

Ngoài ra, chúng tôi luôn quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và tính bảo mật thông tin cho nhân viên nghiệp vụ nhằm đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực chuyên môn, đó cũng là những nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động kiểm toán. Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm và nhắc nhở nhân viên của mình câu nói của một vị lãnh đạo ngành kiểm toán Việt Nam: "Người làm kiểm toán phải có tính thận trọng trên mức cần thiết".

Khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của doanh nghiệp (DN) sẽ được phân bổ thành số cổ phần để bán cho nhà đầu tư. Xin ông cho biết về những căn cứ để xác định vốn điều lệ của DN?

- Khi xây dựng vốn điều lệ,  các tổ chức tư vấn hoặc DN thường dựa vào các yếu tố như: Số vốn tối thiểu theo quy định đối với các ngành nghề kinh doanh mà pháp luật yêu cầu; khả năng góp vốn của các cổ đông sáng lập và cơ cấu vốn của các cổ đông trong tương lai gần; nhu cầu sử dụng vốn dài hạn, có tính toán đến khả năng huy động vốn tín dụng và vốn vay thương mại; Kế hoạch tái cơ cấu tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển DN trong các năm tiếp theo (khoảng 3 năm liền kề)... Ngoài ra, đối với DN Nhà nước khi cổ phần hóa, xác định vốn điều lệ và cơ cấu vốn cổ phần lần đầu phải tuân thủ theo những quy định của nghị định, thông tư hướng dẫn về việc chuyển DN Nhà nước thành công ty cổ phần. Trong đó: Nếu bán bớt phần vốn Nhà nước tại DN thì vốn điều lệ xác định không thấp hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN; Nếu phát hành thêm cổ phiếu thì vốn điều lệ được xác định bằng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN và giá trị cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá cổ phiếu.

Có một số ý kiến của nhà đầu tư cho rằng, việc tăng vốn điều lệ của không ít DN hiện nay chưa thực sự thuyết phục. Thậm chí dư luận còn nghi ngờ rằng không ít công ty này tăng vốn nhằm  tăng số lượng CP để "bán lấy tiền". Ông có ý kiến gì về những  trường hợp này?

- Như đã trao đổi ở trên, thông thường các công ty cổ phần đều có kế hoạch đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh trong một tương lai gần khoảng 3 năm tiếp theo. Dựa vào đó, DN đã xây dựng cho mình phương án huy động và sử dụng vốn ổn định trong quãng thời gian đó. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp DN phải thay đổi kế hoạch đầu tư hoặc SXKD của mình vì những lý do khách quan từ cơ chế chính sách, thị trường, đối tác chiến lược dẫn tới DN cần phải thay đổi cơ cấu tài chính, phát hành thêm cổ phiếu và tăng vốn điều lệ.

Đối với các công ty cổ phần đại chúng hoặc đã niêm yết trên TTCK thì việc tăng vốn điều lệ phải có phương án tăng vốn, phương án sử dụng vốn được Đại hội đồng cổ đông công ty quyết định và ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê chuẩn. Do vậy, với những DN này dù sao đã có sự kiểm  soát của Nhà nước, sẽ hạn chế bớt việc tăng vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu tràn lan.

Trên thực tế hiện nay, có thể có những DN đã tận dụng thời cơ lúc TTCK đang sôi động, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến chứng khoán... để tăng vốn điều lệ, phát hành thêm cổ phiếu nhằm thu hút vốn một cách dễ dàng, mà chưa cần quan tâm nhiều đến hiệu quả đầu tư của các cổ đông. Về nguyên tắc thì chưa có quy định cụ thể đối với thời gian cần thiết để tăng vốn điều lệ và các nhà đầu tư mua cổ phần trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, do vậy đòi hỏi nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào DN nào thì cần có sự tìm hiểu, phân tích và hiểu biết nhất định về DN đó, tránh được tình trạng đầu tư vốn không có hiệu quả.   

 Xin cám ơn ông!

TBTC 101

Tin tức liên quan