Năm 2009 là dấu mốc vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp không chỉ "đau đầu" đối phó với khủng hoảng kinh tế, mà còn đối diện với sự thay đổi liên lục trong chính sách thuế. Cùng với sự thay đổi của các luật thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng có những thay đổi lớn đối với doanh nghiệp.

Thu nhập khác không được hưởng ưu đãi thuế TNDN

 

Luật Thuế TNDN ra đời từ cải cách thuế bước 2 diễn ra năm 1999. Từ đó đến nay đã có nhiều sửa đổi, nhưng vẫn luôn đề cao chính sách thu hút đầu tư bằng các chính sách ưu đãi về thuế. Theo đó, trừ những thu nhập từ hoạt động đặc thù (như chuyển nhượng vốn và chuyển nhượng bất động sản), phải hạch toán riêng không được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN. Các thu nhập khác còn lại phát sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh đều hòa chung vào kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh để được hưởng ưu đãi theo quy định.

 

Tuy nhiên, theo luật thuế mới, tất các khoản thu nhập khác đều không được hưởng ưu đãi về thuế. Thông tư số 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TNDN định nghĩa thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế, mà khoản thu nhập này không thuộc ngành nghề lĩnh vực có trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Thông tư 130 cũng đưa ra danh mục các loại thu nhập khác, trong đó bao gồm thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, chênh lệch tỷ giá, thu nhập từ thanh lý tài sản, hay các khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được, hoạt động sản xuất - kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót do doanh nghiệp phát hiện ra... Trên thực tế, những khoản thu nhập này là những thu nhập tất yếu phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi hoạt động trong phạm vi lĩnh vực kinh doanh được cấp phép. Vì vậy, không thể coi những khoản thu nhập khác này là những thu nhập không thuộc ngành nghề lĩnh vực có trong đăng ký kinh doanh.

 

Thêm vào đó, tương ứng với những thu nhập này, doanh nghiệp cũng có những chi phí tương tự. Ví dụ, đối với khoản thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, thì doanh nghiệp cũng phát sinh chi phí trả lãi tiền vay. Hay đối với chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ, tương ứng với khoản thu nhập từ lãi về chênh lệch tỷ giá là những khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ. Như vậy, có thể thấy rất rõ sự bất hợp lý là đối với cùng một hoạt động tương tự, nếu phát sinh chi phí, hoặc thua lỗ thì được hạch toán để xác định giảm thu nhập hưởng ưu đãi thuế, trong khi phần lãi (thu nhập) lại không được áp dụng những ưu đãi đó (phải tính thuế TNDN theo mức thuế suất phổ thông ngay trong kỳ phát sinh thu nhập).

 

Công văn 7250/BTC-TCT "gỡ" chưa hết "rối"

 

Sau khi Luật Thuế TNDN, Nghị định và Thông tư hướng dẫn được ban hành, hầu hết doanh nghiệp đều băn khoăn với quy định nêu trên và đã có ý kiến phản ánh lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 7250/BTC-TCT ngày7/6/2010. Công văn này hướng dẫn cách xác định một số khoản thu nhập khác như thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, chênh lệch tỷ giá, thu nhập từ thanh lý tài sản, thu nhập về tiêu thụ phế liệu, phế phẩm, thu nhập từ hoàn nhập các khoản dự phòng.

 

Theo đó, khi thực hiện quyết toán thuế, phần lãi từ các hoạt động trên có thể bù trừ với phần chi phí tương ứng của hoạt động đó, hoặc việc xử lý hoàn nhập dự phòng sẽ được thực hiện theo Thông tư 228. Cách xác định đó cũng đồng nghĩa với việc một phần hoặc toàn bộ giá trị các khoản thu nhập này đã được ghi nhận giảm chi phí tương ứng khi xác định thu nhập chịu thuế và được hưởng các ưu đãi thuế. Điều này dù chưa thực sự làm thỏa đáng những băn khoăn của các doanh nghiệp, nhưng đã phản ánh sự nỗ lực của Bộ Tài chính, đặc biệt là ngành thuế trong việc tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, thực hiện chính sách "nuôi dưỡng nguồn thu" cho ngân sách nhà nước.

 

Tuy nhiên, ngoài những khoản thu nhập được hướng dẫn trong Công văn 7250/BTC-TCT nêu trên, còn nhiều khoản thu nhập khác chưa được đề cập như khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được, khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ, thu nhập từ hoat động sản xuất - kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót, tiền bồi thường do phạt vi phạm hợp đồng... Mặc dù các khoản thu nhập này không thường xuyên phát sinh, nhưng bản chất các khoản thu nhập đó không phải thuộc ngành nghề lĩnh vực khác đối với hầu hết doanh nghiệp. Liệu doanh nghiệp có nên tiếp tục mong đợi một công văn tương tự hướng dẫn việc thực hiện đối với các khoản thu nhập khác còn lại?

 

Thêm vào đó, trong khi Công văn 7250/BTC-TCT chưa giải quyết hết những khúc mắc của doanh nghiệp, thì bản thân nó lại phát sinh một số điểm chưa phù hợp như sau.

 

- Thứ nhất, bù trừ lãi lỗ giữa các hoạt động sản xuất - kinh doanh, quy định chưa thống nhất.

Thông tư 130/2008/TT-BTC quy định trường hợp hoạt động kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế bị lỗ, hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi có thu nhập (hoặc ngược lại), thì doanh nghiệp bù trừ vào thu nhập chịu thuế của các hoạt động kinh doanh có thu nhập do doanh nghiệp tự lựa chọn. Với quy định này, doanh nghiệp vẫn băn khoăn, liệu có thể tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh của mình mà lựa chọn có bù trừ hay không, hay bắt buộc phải thực hiện bù trừ, vì theo các quy định trước đây, doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện bù trừ?

 

Công văn 7250/BTC-TCT với hướng dẫn và ví dụ cụ thể đã khẳng định rằng, việc thực hiện bù trừ là bắt buộc đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, Luật thuế TNDN hiện tại quy định các lĩnh vực hoạt động kinh doanh áp dụng các mức thuế khác nhau thì phải hạch toán riêng để xác định chính xác thu nhập chịu thuế.

 

Theo đó, trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của cả năm tài chính, doanh nghiệp thực hiện nguyên tắc hạch toán riêng từng hoạt động kinh doanh có mức thuế suất khác nhau. Nhưng đến cuối năm, khi thực hiện quyết toán thuế, nếu có hoạt động kinh doanh lãi và hoạt động lỗ lại nhập các khoản thu nhập này vào để xác định mức thu nhập chịu thuế và mức thuế suất áp dụng.

Bà Nguyễn Hồng Nhung là Chủ nhiệm cấp cao Dịch vụ thuế và tư vấn của Ernst & Young tại Hà Nội. Bà Nhung có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn khách hàng là các công ty đa quốc gia, tập đoàn kinh tế, DN trong và ngoài nước trong lĩnh vực vận tải, bất động sản, sản xuất và dịch vụ tài chính, đưa ra các giải pháp thuế giúp khách hàng tuân thủ quy định về thuế một cách hiệu quả. Ngoài ra, bà Nhung có kinh nghiệm sâu sắc trong tư vấn thuế đối với hoạt động đầu tư.

 

Như vậy, có thể thấy, quy định này đã làm mất đi ý nghĩa của nguyên tắc hạch toán riêng, đồng thời tạo ra sự mâu thuẫn giữa các quy định trong cùng một đạo luật.

 

- Thứ hai, quy định về thời gian chuyển lỗ - doanh nghiệp mất quyền chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh.

Ngoài hướng dẫn về việc bù trừ lãi lỗ, Công văn 7250/BTC-TCTcòn hướng dẫn về thời gian chuyển lỗ. Theo công văn này, doanh nghiệp có các khoản lỗ phát sinh từ năm 2009 trở đi thì phải chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp theo, trong thời gian không quá 5 năm.

 

Trước đây, doanh nghiệp được phép tự quyết định số lỗ sẽ chuyển và thời gian chuyển lỗ đảm bảo không quá 5 năm kể từ năm phát sinh lỗ. Quy định này giúp doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch chuyển lỗ sao cho phù hợp với kế hoạch kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất. Với quy định mới, điều này không phù hợp với xu hướng dành quyền chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Để kiểm soát tốt hơn việc chuyển lỗ của doanh nghiệp, thiết nghĩ, nên để cho doanh nghiệp chủ động thực hiện chuyển lỗ sao cho không bị vượt quá thời hạn 5 năm kể từ năm phát sinh lỗ. Và việc chuyển lỗ của doanh nghiệp nếu đã kê khai với cơ quan thuế thì không được phép điều chỉnh lại. Quy định như vậy sẽ buộc doanh nghiệp phải nghiêm túc và có trách nhiệm hơn với việc lập kế hoạch chuyển lỗ nói riêng, kế hoạch kinh doanh nói chung của doanh nghiệp mình, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và lành mạnh.

 

Sau một kỳ quyết toán vất vả vì luật thuế thay đổi, hiện nay, với việc ban hành Công văn 7250/BTC-TCT, các doanh nghiệp lại lục tục điều chỉnh lại tờ khai quyết toán thế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn mới. Hy vọng, trong năm 2010, các văn bản hướng dẫn về thuế nói chung và đối với thuế TNDN nói riêng sẽ được hoàn thiện, tạo môi trường thuế ổn định và thuận lợi, giúp cho các doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.

 


 

(Theo Tinnhanhchungkhoan.vn)

Tin tức liên quan