Trước tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) trong 7 tháng năm 2012 gặp khó khăn, trên cơ sở kiến nghị của Tập đoàn, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì giải quyết theo thẩm quyền và điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Theo đó, trong trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có ý kiến khác thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất biện pháp giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% nhằm tháo gỡ khóa khăn cho doanh nghiệp.


Bộ Tài chính cho biết, trong 7 tháng năm 2012, toàn Tập đoàn TKV tiêu thụ được 21,8% triệu tấn (trong nước 14,6 triệu tấn, xuất khẩu 7,2 triệu tấn) bằng 47,9% kế hoạch năm. Lượng hàng tồn kho tính đến ngày 31/7/2012 là trên 9 triệu tấn.


Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ yếu là do lượng than tiêu thụ trong nước giảm mạnh do tăng trưởng kinh tế chậm; giá than xuất khẩu giảm do suy giảm kinh tế toàn cầu. Tập đoàn TKV đã tiết giảm chi phí nhưng do giá xuất khẩu giảm nên với mức thuế xuất khẩu 20% thì giá thành than xuất khẩu cao hơn giá bán nên Tập đoàn không xuất khẩu được.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm các nước có sản lượng sản xuất than lớn trên thế giới cũng đã có chính sách giảm thuế nhằm tăng lượng xuất khẩu than tại các nước này. Ví dụ như Indonessia thuế xuất khẩu là 0%; Úc thuế xuất khẩu 0%; Trung quốc thuế xuất khẩu than 10%; Mông Cổ thuế suất thuế xuất khẩu than tối đa không quá 7%; Nga thuế xuất khẩu 5%. Theo dự báo, giá than thế giới tiếp tục có xu hướng giảm do kinh tế thế giới chưa phục hồi, cung về than vượt cầu. Vì vậy, nếu duy trì mức thuế suất thuế xuất khẩu than là 20% thì Tập đoàn sẽ không thể xuất khẩu được than.

Để tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn, trên cơ sở tính toán về lợi ích của việc giảm thuế xuất khẩu than tương ứng với giá bán trong 4 tháng cuối năm 2012, Bộ Tài chính thấy rằng nếu giảm mức thuế xuất khẩu xuống10%, Tập đoàn sẽ xuất khẩu được với sản lượng dự kiến là 6,5 triệu tấn.

 

Cũng theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu ngoài việc tạo điều kiện cho Tập đoàn tăng số lượng than xuất khẩu, giảm tồn kho. Đồng thời, Tập đoàn không phải tạm ngừng sản xuất, giải quyết được việc làm cho người lao động, không gây ảnh hưởng đến đời sống và an toàn xã hội của công nhân ngành than và người dân vùng mỏ, thu ngân sách nhà nước cũng sẽ tăng do lượng than tồn kho sẽ xuất khẩu được, Tập đoàn cũng cân đối được tài chính để thực hiện được việc đầu tư để sản xuất than theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10%. Khi thị trường phục hồi và giá than thế giới tăng thì điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu than cho phù hợp.


Cũng trong chiều hôm qua (10/9), tại cuộc họp báo do Bộ Công thương tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề tăng giá than của TKV, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục năng lượng cho biết, gần đây, ngành than đã được duyệt tăng giá bán cho điện bởi hiện nay giá than bán trên thị trường vẫn chỉ bằng 50-60% giá thành.


Theo ông Thọ, nếu không điều chỉnh giá than thì sẽ không có tiền tái đàu tư ngành năng lượng, sẽ không khuyến khích tiết kiệm năng lượng.


“Năm 2015 để đạt 55 triệu than thương phẩm theo đúng kế hoạch thì ngành than cần vốn đầu tư lớn, dự kiến 40.000 tỷ đồng mỗi năm. Tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tái cơ cấu TKV, Thủ tướng đã đồng ý điều chỉnh giá than bán cho điện bằng với giá thành sản xuất. Do đó, nếu không điều chỉnh giá thanh cho điện, nguy cơ sau này phát triển than cho các hộ sử dụng nhiều than sẽ rất khó. Sau 2015, nhu cầu sử dụng than sẽ rất cao", ông Thọ nói.


Tổng cục năng lượng cho biết thêm hiện tồn kho than rất lớn. Do đó cần tạo điều kiện cho ngành than giữ được hệ số tín nhiệm tốt.

Tin tức liên quan